Quảng Bình, 'kỳ tích' 13 năm giảm sâu tai nạn giao thông: 'Mắt thần' giăng khắp nơi

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
27/03/2023 09:00 GMT+7

Không chỉ là một trong những địa phương đầu tiên miền Trung được Bộ Công an lắp đặt hệ thống camera giám sát trên tuyến QL1 (năm 2017), nhiều tuyến đường đô thị, liên xã ở Quảng Bình cũng gắn "mắt thần" để giám sát...

"PHẠT NGUỘI" NHƯNG RẤT "NÓNG"

Ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, đánh giá việc ngành chức năng, chính quyền địa phương trang bị, lắp đặt, nâng cấp hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT tại nhiều vị trí giao thông xung yếu đã góp phần làm giảm nguy cơ tai nạn giao thông, khi người tham gia giao thông đã biết "sợ". Trên địa bà Quảng Bình có đến 919 km quốc lộ, 367 km tỉnh lộ, 732 km đường đô thị, 772 km huyện lộ và trên 9.540 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, riêng tuyến quốc lộ qua Quảng Bình có tổng cộng 32 camera giám sát được lắp đặt.

Quảng Bình, 'kỳ tích' 13 năm giảm sâu tai nạn giao thông: 'Mắt thần' giăng khắp nơi - Ảnh 1.

Camera giám sát tại đường liên xã đoạn qua xã Trường Xuân (H.Quảng Ninh)

THANH LỘC

Điều làm thượng tá Đinh Cao Quang, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình, tâm đắc chính là ngày đầu lắp đặt, hệ thống camera trên tuyến quốc lộ phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm thông qua hình ảnh gửi về, nhưng càng về sau các vụ vi phạm càng ít đi. "Điều này có nghĩa là nhờ hệ thống camera đã làm cho ý thức tham gia giao thông của người dân được nâng cao. Họ không còn chạy quá tốc độ, chạy lấn làn, chạy ẩu… Vì họ biết kể cả lúc không có anh CSGT nào đứng đó thì dọc đường vẫn có những "con mắt" đang dõi theo họ. Lâu dần, trở thành thói quen chấp hành khi tham gia giao thông", thượng tá Quang nói.

Từ giữa năm 2022, TP.Đồng Hới ban hành quy chế quản lý, vận hành, khai thác và xử lý vi phạm qua hệ thống camera tại Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh. Cơ quan chức năng sử dụng hệ thống camera giám sát này để hỗ trợ công tác bảo đảm an ninh trật tự và xử phạt. Các đơn vị khai thác, xử lý bao gồm Văn phòng HĐND-UBND TP.Đồng Hới, Đội quy tắc và trật tự đô thị, Công an TP.Đồng Hới, Đội CSGT - trật tự, công an các phường, xã. Từ ngày 1.6.2022, Công an TP.Đồng Hới và các cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm giao thông thông qua 7 camera giám sát đặt tại địa bàn thành phố. Gần nhất, từ ngày 9.2 năm nay, TP.Đồng Hới lắp đặt thêm 20 camera giám sát giao thông và tích hợp vào hệ thống camera của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố, áp dụng xử lý vi phạm qua hình ảnh camera kể từ ngày 15.2.

Quảng Bình, 'kỳ tích' 13 năm giảm sâu tai nạn giao thông: 'Mắt thần' giăng khắp nơi - Ảnh 2.

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh camera từ ngày 15.2

H.L

Tại H.Quảng Ninh, thiếu tá Hoàng Thanh Bảo Duy (Đội trưởng Đội CSGT-trật tự, Công an H.Quảng Ninh) cho biết ở địa phương, ngành chức năng thậm chí còn gắn camera giám sát giao thông ở đường liên xã. Cụ thể, trên đường liên xã đi qua xã Trường Xuân có cắm biển báo cấm xe trọng tải trên 3 tấn đi qua khu vực đông dân cư gây ô nhiễm. Nếu chủ phương tiện vi phạm nhận được hình ảnh, thông báo vi phạm mà vẫn không chấp hành (phạt nguội), lực lượng chức năng sẽ phối hợp với các trung tâm đăng kiểm, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp "cứng rắn" như từ chối đăng kiểm, cưỡng chế... "Trước đây, xe tải chạy tứ tung, "hành" dân. Nhưng từ này có camera đặt ở đây, sợ bị phạt nên cánh tài xế chấp hành nghiêm, dân bớt khổ", thiếu tá Duy nói.

"CAMERA CHẠY BẰNG… CƠM"

Ban ATGT tỉnh Quảng Bình cho biết chỉ trong năm 2022, đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trật tự ATGT với cán bộ, công chức, người lao động, đoàn viên - thanh niên, quần chúng nhân dân. Đã có 121 hội nghị được mở, với 50.201 lượt người tham gia tại 62 trường học, 59 địa bàn khu dân cư. Quảng Bình cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền rất phong phú từ tập huấn, hội thi, hội diễn, chiếu phim… lồng ghép phổ biến pháp luật về giao thông. Ông Lê Văn Thủy, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Bình, cho rằng ngoài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người dân là yếu tố tiên quyết để giảm thiểu tai nạn. "Phải làm cho người dân hiểu họ tham gia giao thông đúng luật là tốt cho bản thân, cho xã hội chứ không phải để đối phó với lực lượng chức năng. Bởi CSGT, Thanh tra gia thông dù có nhiều đến đâu, hệ thống camera giám sát có nhiều đến đâu cũng không thể "quản" hết mọi tuyến đường, mọi thời điểm", ông Thủy nói.

Với lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông, họ có "lắm chiêu" để mỗi người dân là mỗi "camera giao thông". Ngoài việc tuyên truyền, đưa luật ATGT vào công sở, trường học, họ còn mở rộng hình thức giám sát. Như để hạn chế "ma men" chạy xe ngoài đường, lực lượng chức năng triển khai ký cam kết với chủ quán ăn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn tuyên truyền, nhắc nhở khách rằng đã sử dụng rượu, bia thì không điều khiển phương tiện. Để đối phó từ sớm đối với nạn xe quá khổ, quá tải, họ cũng buộc các doanh nghiệp vận tải cam kết không vi phạm, nếu phát hiện sẽ xử phạt nghiêm minh.

Ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh Quảng Bình, cho rằng trong tình hình lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông tăng, ngành chức năng càng tăng cường kiểm tra giám sát việc đào tạo, sát hạnh cấp giấp phép lái xe. "Học hành tử tế, thi tử tế. Ông cha từng nói thao trường đổ mồ hôi thì chiến trường bớt đổ máu. Chứ học hành không ra gì, gặp thầy bà không ra gì thì hỏi sao sau này lái xe ra đường không gặp TNGT?", ông Năm nói. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.