Ngày 13.1, ông Vũ Quang Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình, cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa năm 2021 giảm so với năm 2020 nhưng các vi phạm trong kinh doanh và vận chuyển hàng hóa vẫn còn xảy ra với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều hành vi như: tạo dựng, gia cố các vách ngăn, thùng chứa hàng vi phạm tại nhiều vị trí trong xe container hoặc trà trộn hàng hóa vi phạm với các loại hàng hóa hợp pháp khác; chia hàng hóa thành nhiều lô nhỏ để vận chuyển bằng xe khách, xe tải, vi phạm nhãn hàng hóa…
Hàng hóa vi phạm tập trung vào các mặt hàng được tiêu thụ nhiều như mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, hàng điện tử, điện dân dụng, giày dép, túi xách, đồ chơi trẻ em…
Lực lượng quản lý thị trường phát hiện, thu giữ hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ tại một cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng, TP.Đồng Hới |
c.t.v |
Bên cạnh đó, do dịch bệnh Covid-19, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân tăng cao nên hoạt động kinh doanh hàng hóa online ngày càng phổ biến. Vì vậy, nhiều người đã lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua bán online, mạng xã hội để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhất là các mặt hàng giày dép, áo quần may sẵn, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng.
Tuy nhiên, việc phát hiện địa điểm kinh doanh, nơi cất giấu hàng hóa của các đối tượng kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã thực hiện 1.063 vụ kiểm tra, các cấp ngành đã ban hành 617 quyết định xử lý vi phạm; số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 2,1 tỉ đồng.
Những vi phạm tập trung vào các mặt hàng mỹ phẩm, áo quần, túi xách, giày dép... |
c.t.v |
Ông Vũ Quang Thắng cho biết thêm, trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục quyết liệt kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh, vận chuyển hàng hóa; góp phần bảo đảm ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng.
Bình luận (0)