Đe dọa nhiều ao tôm
Đang cặm cụi dùng những bao cát kè lại bờ biển, ông Nguyễn Đức Nam (42 tuổi, trú thôn 4, xã Tam Hải) cho biết thời gian gần đây mưa to gió lớn, sóng biển vỗ mạnh gây sạt lở mạnh khiến nhiều hồ nuôi tôm bị "đe dọa" nghiêm trọng. Nhiều nhà dân nằm gần bờ biển cũng tương tự. Vài năm gần đây, xâm thực phức tạp, nhiều hồ nuôi tôm mới xây dựng cũng đành bỏ hoang.
"Ao tôm gia đình tôi chỉ còn nằm cách bờ biển khoảng 10 m. Cứ vào mùa mưa gió là ăn ngủ không yên vì sợ biển xâm thực làm ao nuôi tôm sẽ bị vỡ", ông Nam nói.
|
Người dân địa phương đã sử dụng hàng trăm bao cát kè bờ biển để ngăn sạt lở, hiệu quả không cao. Với tình trạng này, nhiều người lo ít năm nữa, nếu vẫn không có phương án xây kè thì nhiều ngôi nhà nằm cạnh bờ biển có nguy cơ bị nuốt trôi...
|
Ông Hồ Văn Khánh (47 tuổi, ở thôn 4) cho hay năm 2010 gia đình ông bắt đầu đào ao nuôi tôm chân thẻ trắng ở khu vực này. Thời điểm đó, bờ biển nằm cách vị trí xây dựng ao nuôi tôm cả trăm mét, nhưng bây giờ “rút ngắn” chỉ còn khoảng 10 - 15 m.
"Ít nhất 10 ao nuôi tôm bị cuốn trôi, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Gia đình tôi cũng đã bỏ tiền thuê người dùng bao cát kè lại nhưng việc này cũng như đem muối đổ biển, có kè kiểu gì cũng bị sóng đánh trôi. Nhiều ao tôm thậm chí chỉ nằm cách bờ biển tầm 5 m, nếu mưa gió kéo dài thì rất dễ bị đánh sập", ông Khánh ngao ngán.
Ngổn ngang tuyến kè bảo vệ
Bờ biển từ thôn Tân Lập và thôn Thuận An (thuộc xã đảo Tam Hải) liên tục sạt lở. Tuyến kè xung yếu bảo vệ xã đảo Tam Hải ngày càng bị hư hỏng nặng, hàng trăm hộ dân ở 2 thôn này bị ảnh hưởng sinh hoạt, mất đất sản xuất, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp, hư hỏng nhà cửa.
|
Đầu năm 2018, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án đầu tư xây dựng sửa chữa khẩn cấp kè chống sạt lở biển từ thôn Tân Lập đến thôn Thuận An có chiều dài 550 m, tổng kinh phí hơn 30 tỉ đồng, do Sở NN - PTNN Quảng Nam làm chủ đầu tư. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, dự kiến giai đoạn 1 hoàn thành trong mùa mưa bão năm nay chiều dài gần 300 m.
Theo quan sát của PV Thanh Niên, tuyến bờ kè này chỉ mới hoàn thành khoảng 200 m, được xây dựng theo kết cấu móng kè đóng cọc bê-tông vững chắc. Tuy nhiên, nhiều đoạn thi công dang dở đã bị sóng biển “tấn công” gây hư hỏng, nằm ngổn ngang.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Tam Hải, xác nhận hàng trăm hộ dân dọc tuyến bờ biển thôn Tân Lập và Thuận An bị “đe dọa” kể từ năm 2013. Nhưng không chỉ có vậy, tại thôn Bình Trung nhiều đoạn bờ biển bị xâm thực mạnh cả cây số, mỗi năm bị xâm thực từ 20 - 30 m.
"Trước đó, năm 1964, xâm thực cũng đã "nuốt" nguyên một thôn ở xã đảo. Năm nay triều cường cao nên thôn Bình Trung diễn biến phức tạp hơn, đến thời điểm hiện tại chưa có giải pháp nào cụ thể. Nếu xây kè thì phải tốn gần cả 100 tỉ đồng, mọi nguồn kinh phí quá lớn", ông Hùng nói.
Bình luận (0)