Trong văn bản vừa gửi Bộ VH-TT-DL và Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho địa phương tiếp nhận bức tượng đồng Nữ thần Durga 4 tay để trưng bày tại khu đền tháp Mỹ Sơn, khi cổ vật này được đưa về VN. Cổ vật này đã được UNESCO công nhận di sản thế giới, hiện đang ở nước Anh.
CỔ VẬT CÓ NGUỒN GỐC TỪ MỸ SƠN
Giữa tháng 9, Đại sứ quán VN tại Anh đã tiếp nhận bức tượng đồng Nữ thần Durga 4 tay niên đại từ thế kỷ 7, chiều dài khoảng 2 m, nặng khoảng 250 kg, từ gia đình của nhà buôn cổ vật người Anh Douglas Latchford. Đây là thành quả sau thời gian dài điều tra của Văn phòng Cục Điều tra an ninh nội địa Mỹ (HSI) đối với nhà buôn Douglas Latchford trong nỗ lực chống buôn bán bất hợp pháp các cổ vật, cùng sự phối hợp tích cực giữa HSI với Cảnh sát London (Anh) để trao trả cổ vật cho quốc gia bị đánh cắp.
Theo thông tin HSI khai thác từ hồ sơ ngân hàng và email trao đổi mua bán của ông Latchford, người này đã tới VN vào tháng 11.2008 để mua một tác phẩm nghệ thuật và chỉ thị cho các nhân viên của mình gửi khoảng 2 triệu USD vào tài khoản của một người Việt. Tháng 1.2009, ông Latchford gửi email cho một đại lý buôn cổ vật bức ảnh chụp tượng đồng Nữ thần Durga đặt nằm ngửa, bao phủ bởi bụi bẩn và khoáng chất giống như vừa được khai quật. Ông Latchford xác định Mỹ Sơn là địa điểm tượng Nữ thần Durga được tìm thấy.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Đại sứ quán VN tại Anh đã liên hệ làm việc với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng của Anh về bức tượng. Ngày 8.8, Đại sứ quán đã làm việc với thanh tra viên thuộc Cảnh sát London để chia sẻ thông tin và trao đổi về thủ tục chuyển giao bức tượng đồng cho VN. Ngày 16.8, Đại sứ quán khảo sát hiện trạng bức tượng đồng và làm việc với đại diện chủ sở hữu hiện tại của bức tượng, với công ty lưu trữ, chuyên gia khảo cổ, phục chế... đánh giá sơ bộ và lên phương án tiếp nhận bức tượng, vận chuyển về nước.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết bức tượng đồng Nữ thần Durga 4 tay là hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa, khoa học, ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiên cứu văn hóa Champa của VN và khu vực Đông Nam Á. Để cổ vật được trở về đúng với vị trí ban đầu, phát huy tốt nhất các giá trị về văn hóa, lịch sử, khoa học, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ VH-TT-DL, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền thống nhất cho phép địa phương được tiếp nhận (sau khi hiện vật đưa về VN) và trưng bày tại khu đền tháp Mỹ Sơn.
SẴN SÀNG BỎ KINH PHÍ HỒI HƯƠNG CỔ VẬT
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, cho rằng nếu chính xác bức tượng đồng Nữ thần Durga 4 tay có nguồn gốc từ Mỹ Sơn thì nên trả lại đúng vị trí ban đầu theo luật Di sản. "Việc trưng bày bức tượng tại Mỹ Sơn cũng nhằm phục vụ cho vấn đề bảo tồn cổ vật có giá trị", ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, UBND tỉnh Quảng Nam đã liên lạc trực tiếp với Đại sứ VN tại Anh và hiện bức tượng này cũng được các nhà chức trách bàn giao cho Đại sứ quán VN cất giữ. Đại sứ quán VN tại Anh đã có công điện báo về cho Bộ VH-TT-DL, ủng hộ việc chuyển giao bức tượng này cho Quảng Nam. Tuy nhiên, hiện nay muốn đưa cổ vật về VN thì phải có kinh phí vận chuyển.
"Các cơ quan tham mưu của Bộ VH-TT-DL đang làm thủ tục để đưa cổ vật về nước. Quảng Nam rất mong muốn tiếp nhận bức tượng nhưng phải chờ các thủ tục từ Bộ VH-TT-DL. Trong trường hợp cần thiết, tỉnh sẽ chủ động lo kinh phí vận chuyển để đưa bức tượng này về VN và xin tiếp nhận để trưng bày tại khu thánh địa Mỹ Sơn - nơi được xác định là nguồn gốc xuất xứ của cổ vật", Giám đốc Sở VH-TT-DL nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khiết, Phó giám đốc Ban quản lý (BQL) Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết khu vực rừng Mỹ Sơn rất rộng, hiện vật được phát hiện không chỉ nằm ở vùng lõi, vùng khai quật khảo cổ mà trải dài nhiều nơi. Bức tượng Nữ thần Durga không loại trừ khả năng được người dân trong quá trình rà tìm sắt vụn, rà phá bom mìn đã phát hiện rồi cất giấu, đem bán.
Theo ông Khiết, cổ vật sau khi phát hiện nếu giao cho một tổ chức bảo vệ, quản lý sẽ phát huy được giá trị, văn hóa, lịch sử. BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn rất mong muốn được tiếp nhận để bảo quản, trưng bày bức tượng đồng Nữ thần Durga.
"Tại Mỹ Sơn có nhà bảo tàng cổ vật với hệ thống an ninh rất đảm bảo. Nơi này cũng đang bảo vệ, trưng bày bảo vật quốc gia - ngẫu tượng Mukhalinga. Tượng Nữ thần Durga là bức tượng bằng đồng, có kích thước lớn nên rất có giá trị, nếu được trưng bày tại di sản văn hóa Mỹ Sơn thì chắc chắn thu hút lượng lớn du khách", ông Khiết nói.
Mỹ Sơn hiện có 2 cổ vật được công nhận bảo vật quốc gia, gồm: ngẫu tượng Mukhalinga và đài thờ Mỹ Sơn A10. Tượng đồng Nữ thần Durga nếu được trưng bày tại Mỹ Sơn thì BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn sẽ xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.
DURGA LÀ MỘT NỮ THẦN ĐẶC BIỆT
Theo ông Nguyễn Công Khiết, người Chăm chịu ảnh hưởng to lớn của Hindu giáo từ Ấn Độ. Hầu hết công trình kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc của họ đều mang màu sắc Hindu giáo. Tượng đồng Nữ thần Durga 4 tay nằm trong hệ thống tượng Chăm có nguồn gốc từ Mỹ Sơn thì càng có giá trị hơn.
"Trong Hindu giáo, Durga là một nữ thần đặc biệt. Vị nữ thần này có dấu ấn sâu đậm trong đời sống tinh thần của các tín đồ Hindu và được tôn thờ như biểu tượng của lực lượng siêu nhiên, thánh thiện, vị nữ thần diệt trừ và chiến thắng cái ác. Nữ thần Durga còn được coi là một biểu tượng của tình yêu tinh khiết, lòng dũng cảm và ánh sáng", ông Khiết chia sẻ.
Bình luận (0)