'Quảng Nam nhất quán không vội vàng để lấp đầy quy hoạch'

Mạnh Cường
Mạnh Cường
01/03/2024 19:35 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tại họp báo công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam và lễ khai mạc Năm quốc gia phục hồi đa dạng sinh học - Quảng Nam 2024.

Chiều 1.3, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chủ trì cuộc họp báo thông tin về hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lễ khai mạc Năm quốc gia phục hồi đa dạng sinh học - Quảng Nam 2024.

Sáp nhập H.Núi Thành với TP.Tam Kỳ

Theo quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng vừa phê duyệt, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức không gian hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình cấu trúc "2 vùng, 2 cụm động lực, 3 hành lang phát triển".

Cụ thể, vùng đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển. Trong đó, Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học và đổi mới sáng tạo.

'Quảng Nam nhất quán không vội vàng để lấp đầy quy hoạch'- Ảnh 1.

Theo quy hoạch, TP.Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch

XUÂN ANH

Vùng tây gồm các huyện miền núi bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thủy điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới.

Khâm Đức - Phước Sơn và Thạnh Mỹ - Nam Giang là các đô thị chuyển tiếp, kết nối, giao lưu phát triển giữa vùng đồng bằng Quảng Nam và TP.Đà Nẵng với Tây nguyên và các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Quảng Nam phát triển 2 cụm động lực. Cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc là cực tăng trưởng phía bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của TP.Đà Nẵng.

Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh kết nối các không gian kinh tế của 3 đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistics cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh.

Trong đó, sáp nhập H.Núi Thành với TP.Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại 1.

Ngoài ra, Quảng Nam sẽ hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển thông qua các tuyến đường bộ và hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò; phát triển hành lang du lịch dựa trên tuyến giao thông đường thủy.

Tỉnh cũng xây dựng 3 hành lang động lực phát triển, bao gồm: cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển (tập trung các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh, chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và cảng hàng không Chu Lai); dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh phía tây (phát triển công nghiệp thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp, bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số…); dọc QL14B, QL14E nối lên QL14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (giao lưu với vùng kinh tế Tây nguyên và Nam Lào - bắc Campuchia).

Phấn đấu năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Theo quy hoạch, năm 2030, Quảng Nam đặt mục tiêu thu hút hơn 15 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu khách quốc tế và 7 triệu khách nội địa. Tỉnh được định hướng là trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa giá trị di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm…

Tỉnh Quảng Nam cũng đặt mục tiêu năm 2030 có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD, thuộc nhóm tốt của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân.

Đáng chú ý, Quảng Nam phấn đấu năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

'Quảng Nam nhất quán không vội vàng để lấp đầy quy hoạch'- Ảnh 2.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phát biểu tại buổi họp báo

MẠNH CƯỜNG

Theo kế hoạch, hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024 diễn ra vào lúc 8 giờ ngày 16.3.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết nội dung Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thể hiện các quan điểm, mục tiêu phát triển, không gian phát triển và các đột phá phát triển cho tỉnh trong thời kỳ quy hoạch. Lấy ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn, bền bỉ của con người xứ Quảng làm nhân tố quyết định nội lực; thể hiện tư duy sáng tạo, tầm nhìn mới để tận dụng các lợi thế so sánh, tìm kiếm không gian mới, cơ hội phát triển mới, tạo nên những giá trị riêng và khác biệt cho tỉnh.

Theo ông Thanh, sau khi quy hoạch được phê duyệt và ban hành, Quảng Nam sẽ rà soát tất cả các quy hoạch cấp dưới, trong đó đặc biệt là vùng đông đảm bảo quy hoạch chung của tỉnh.

Tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch cụ thể. Trong đó, nêu rõ lộ trình, khu vực nào làm trước, khu vực nào làm sau. Tiến độ từ đây đến năm 2030 và năm 2050 như thế nào; những nội dung gì được ưu tiên, nguồn lực ở đâu; trong ngân sách của nhà nước, đâu là nguồn lực của T.Ư, của địa phương và của xã hội hóa?

"Quan điểm của tỉnh Quảng Nam là nhất quán không vội vàng lấp đầy vùng quy hoạch, đặc biệt là khu vực phía đông. Tỉnh sẽ có phương pháp lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực, không vội vàng, đầu tư manh mún, nhỏ lẻ… gây lãng phí nguồn lực. Đối với những việc không đem lại như mong muốn thì tỉnh nhất quyết không làm, kể cả những dự án có tác động xấu đến môi trường tự nhiên, văn hóa, đời sống của nhân dân và sự bền vững của tỉnh", ông Thanh nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Năm quốc gia phục hồi đa dạng sinh học - Quảng Nam 2024 chủ đề "Chung sống hài hòa với thiên nhiên", có 37 sự kiện, hoạt động phong phú, đặc sắc diễn ra xuyên suốt từ tháng 3 - 11.2024, bao gồm: diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học về đa dạng sinh học; hoạt động nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học; giới thiệu, vận hành bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam; tổ chức đoàn Farmtrip, Presstrip khảo sát và quảng bá các điểm du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; tọa đàm ký kết chương trình phối hợp bảo vệ động vật hoang dã xuyên biên giới với tỉnh Sê Kông (Lào) …


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.