Quảng Nam: Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường đèo Le

Mạnh Cường
Mạnh Cường
24/10/2020 16:17 GMT+7

Mưa lớn kéo dài khiến taluy âm tuyến đường trên đèo Le nối hai huyện Quế Sơn và Nông Sơn (Quảng Nam) bị xói lở, mặt đường bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 20 m.

Ngày 24.10, ông Lê Đức Hạnh, Hạt trưởng Quản lý đường bộ (Công ty cổ phần công trình giao thông vận tải Quảng Nam), cho biết tuyến đường đèo Le do Công ty cổ phần công trình giao thông vận tải Quảng Nam quản lý.  "Do mưa lớn kéo dài đã khiến tuyến đường này sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 20 m. Hiện nay đã thông tuyến được bước một để các phương tiện lưu thông tạm thời qua", ông Hạnh cho biết thêm.

Đặt biển cảnh báo không cho người và phương tiện qua lại trên tuyến đường đèo Le vì sạt lở

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Theo ông Hạnh, năm 2013, trên tuyến đèo Le này cũng xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng tương tự, đến nay lại sạt lở trở lại. Từ ngày 8 đến ngày 21.10, cả đoạn đèo dài 7 km có đến 18 điểm sạt lở. Và trong 18 điểm sạt lở có 2 nơi bị sạt taluy âm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông. 

"Nguyên nhân xảy ra sạt lở là do mưa lớn và xảy ra liên tục khiến đất bị thấm, ngập nước gây ra sạt lở. Việc sạt lở này thì không có gì bất thường cả. Phương án đầu tiên để đảm bảo giao thông bước 1 thì đơn vị đang tiến hành làm đường tránh để cho xe tạm thời lưu thông”, ông Hạnh nói.

Múc đất mở tuyến đường tạm để thông tuyến bước 1

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Trước đó, do ảnh hưởng của mưa lũ trong thời gian qua và đặc biệt là đợt mưa tối 20.10, tại Km 23+950 tuyến đường ĐT611, khu vực đèo Le (H.Quế Sơn) taluy âm bị xói lở, sụp trôi tường chắn và cống thoát nước gây nứt nền, mặt đường với chiều dài khoảng 20 m; đất đá phía taluy dương tại vị trí đang sạt lở, do vậy không thể tiếp tục lưu thông qua vị trí này.

Đèo Le có chiều dài 7 km, nối 2 huyện Quế Sơn và Nông Sơn. Vụ sạt lở đèo Le khiến giao thông qua hai huyện gặp khó khăn vì đây là tuyến đường duy nhất kết nối hai địa phương.

Hàng trăm hộ dân phải di dời khẩn cấp vì nguy cơ sạt lở núi

Chiều 23.10, trao đổi với Thanh Niên, ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang (Quảng Nam), cho biết trước khi cơ nhiều ngôi làng bị vùi lấp vì sạt lở núi, địa phương đã huy động lực lượng di dời khẩn cấp gần 220 hộ gia đình ra khỏi nơi có nguy cơ sạt lở. Sạt lở hiều nhất ở 4 xã biên giới giáp Lào gồm A Xan, Gari, Ch’Ơm và Lăng. Những hộ gia đình này cũng được chính quyền, các đoàn hỗ trợ nhu yếu phẩm trong những ngày tránh trú.

Lực lượng di dời nhà dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.

ẢNH: C.X

Theo ông Arất Blúi, do khu ở với khu ăn sạt lở từ đỉnh núi nên để đảm bảo an toàn cho các em học tập, địa phương cũng đã di dời 292 học sinh của Trường THCS Lý Tự Trọng đến điểm trường chính cách đó khoảng 200 m. Trước đó cũng đã di dời 277 em học sinh Trường THPT Võ Chí Công (xã A Xan).

Ảnh hưởng mưa lớn nhiều ngày qua khiến nhiều tuyến đường từ Azứt (xã Bha Lêê) đi lên trung tâm huyện và từ trung tâm huyện đi lên các xã vùng cao xuất hiện nhiều điểm sạt lở nặng. Tại mỗi điểm sạt lở, ước có khoảng hàng ngàn khối đất đá, cây cối từ taluy dương tràn xuống mặt đường, khiến giao thông ách tắc.

Tại tuyến ĐT606, đoạn qua địa phận xã A Tiêng, gần nguyên một quả đồi bất ngờ đổ sập xuống đường. Trong khi đó, trên tuyến đường đi lên xã biên giới A Xan, chính quyền địa phương cũng ghi nhận có gần chục điểm sạt lở mới.

Một nhà dân ở H.Tây Giang bị sạt lở gây hư hỏng

ẢNH: C.X

Trong khi đó, ông Hồ Văn Huyện, Chủ tịch UBND xã Trà Vân (H.Nam Trà My), cho biết trên địa bàn xã xảy ra nhiều điểm sạt lở gây ách tắc giao thông cục bộ, riêng tuyến ĐH8 nối với đường Đông Trường Sơn bị sạt lở tới 6 điểm với hàng trăm khối đất đá đổ xuống, người và phương tiện rất chật vật mới có thể di chuyển qua những điểm này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.