Hướng về miền Trung: Dựng lều lánh nạn

22/10/2020 08:20 GMT+7

Giữa đồi cát và rừng cây keo tràm lô nhô chạy dọc theo đường tránh lũ QL1, nhiều gia đình chen chúc nhau tránh trú mưa lũ trong những căn lều tạm bợ.

Lũ đổ về bất ngờ khiến nhiều gia đình ở xã Hồng Thủy, H.Lệ Thủy (Quảng Bình) phải dắt díu chạy ra động cát, căng bạt che lều bên các lăng mộ để tá túc.

Phận người trong những túp lều bên nghĩa địa giữa lũ lịch sử ở Quảng Bình

Chen nhau tá túc

PV Thanh Niên len lỏi qua những rặng cây lúp xúp tìm đến những “ngôi nhà bất đắc dĩ” trên cát. Căn lều đầu tiên nhìn thấy của gia đình bà Nguyễn Thị Ánh (63 tuổi), được căng bởi mấy tấm bạt, áo mưa... Lều rộng chừng 4 m2, nhưng là nơi trú của 10 người trong mấy ngày qua, bên ngoài trời mưa tầm tã. Trong lều, bà Trần Thị Yêm (88 tuổi, mẹ bà Ánh) đang nằm co ro.
“Lũ về, chúng tôi chạy lúc 2 giờ sáng (ngày 19.10 - PV). Mọi người hoảng loạn không kịp mang theo gì cả, chỉ dìu mẹ già, bồng con nhỏ và cắp theo mấy cái bạt, chiếu rồi chạy bán sống bán chết. Con dâu tôi sắp sinh nên được ưu tiên di tản về TP.Đồng Hới trong đêm đó”, bà Ánh nhớ lại. Ngày đầu không có chỗ nấu cơm, sau mới mượn tạm bếp gas của người “hàng xóm” tên Phan Văn Điền. Sau đó, bà con trong xóm mới biết tin, mang gạo, nước, bếp, bát chén... lên cho.
Chiều 21.10, đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình dẫn đầu đã thăm hỏi đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai tại huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam). Phó thủ tướng trao 20 tỉ đồng để hỗ trợ H.Tây Giang khắc phục hậu quả lũ lụt và 100 triệu đồng hỗ trợ quỹ khuyến học của huyện. Dịp này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng thăm hỏi, chia sẻ, động viên 15 hộ gia đình đồng bào Cơ Tu tại các xã A Tiêng, A Nông, Lăng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ vừa qua.
Mạnh Cường
Nhưng vẫn chưa bi đát bằng gian lều chứa tổng cộng 22 người, gồm ông Trương Văn Hải (85 tuổi) và gia đình 4 người con. Bốn thế hệ tá túc trong một khoảng không gian chật hẹp. Ông Hải già yếu nằm một chỗ, sát mép bạt; gần đó có 2 người chắt (mới 6 và 7 tháng tuổi). Chị Nguyễn Thị Tĩnh (con ông Hải) kể gia đình phải lánh nạn, vì dù kê chồng 2 cái giường lên vẫn bị ngập. Căn lều che bằng mấy tấm bạt, tường là một bức bình phong ngoài nghĩa địa. “Cứ lên đây cho an toàn đã, nhà cửa cứ để vậy. Gà vịt thì chắc đã chết hết”, chị Tĩnh nói.

Trường học ngổn ngang trong lũ lịch sử: Nước chưa rút đã dọn dẹp đón học sinh

Ông Nguyễn Văn Duẩn, Trưởng thôn Đông Hải, cũng chỉ kịp gọi vợ chồng người em trai (đang sống ở khu vực phía ngoài làng) đưa đò vô để cứu hộ mấy người xung quanh rồi chuyển lên những nhà cao tầng, có gác. Sau đó, ông và hàng xóm tính chuyện che lều trên đồi cát phía sau nhà cho mọi người tá túc.
Dựng lều lánh nạn

Căn lều nhỏ này là nơi tá túc của 10 người

ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM

Chị Dương Thị Tiền (26 tuổi, mù bẩm sinh) nằm trong nhóm người được được ông Duẩn ứng cứu, chuyển lên khu lều tạm này. Một số cá nhân, nhóm hỗ trợ hướng ứng lời kêu gọi của Đoàn xã Hồng Thủy, mang quà đến tận các lều tạm.
Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, cho hay phương châm di dời dân của địa phương là đưa người vùng lũ đến nhà người dân khác có điều kiện hơn, sau đó là đưa đến các trường học. Nhưng lũ đợt này lớn quá, đa số nhà cửa và trường học ngập rất sâu, nên người dân bất đắc dĩ phải sơ tán lên động cát. “Các thôn như Mộc Thượng 2, Thạch Thượng 1, Thạch Thượng 2 là đi lên động cát hết 80% số hộ trong thôn”, ông Huấn nói.

Những căn nhà phao "thách thức" lũ lịch sử ở Quảng Bình: Nổi lên theo con nước

Khẩn cấp cứu trợ người dân vùng lũ

Trong ngày 21.10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chủ trì họp với các bộ, ngành bàn giải pháp ứng phó mưa bão số 8 và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn (TTDBKTTV) quốc gia, cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các tỉnh bắc và trung Trung bộ sẽ có mưa tập trung trong đêm 24 và ngày 25.10. Dự báo, tổng lượng mưa đợt này lên tới 200 - 300 mm. “Đáng lưu ý, các tỉnh miền Trung đã có mưa lớn trong nhiều ngày qua nên đợt mưa này vẫn có nguy cơ rất cao làm gia tăng sạt lở đất, lũ ở vùng núi”, ông Khiêm cảnh báo.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, lưu ý dù lượng mưa dự báo trong cơn bão số 8 không lớn. Nhưng các hồ thủy lợi, thủy điện ở Trung bộ hiện nay đã đầy nước nên tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Ông Cường yêu cầu phải đặt các hồ thủy lợi, thủy điện trong trạng thái kiểm soát tối đa, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các công trình khi có mưa bão.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các tỉnh trong vùng ảnh hưởng bão sẵn sàng chuẩn bị công tác ứng phó.

Bữa ăn tối tăm sau 1 tuần không cơm ăn trong vùng lũ Quảng Bình

Bão số 8 sẽ gây mưa lớn ở bắc và trung Trung bộ

Bão số 8 dự báo đạt cường độ mạnh nhất khi vào gần quần đảo Hoàng Sa với gió cấp 11 - cấp 12, giật cấp 14. Sau đó, bão sẽ suy yếu, khi vào gần đất liền gây mưa lớn ở các tỉnh bắc và trung Trung bộ.
Chiều 21.10, TTDBKTTV quốc gia cho biết  lúc 16 giờ cùng ngày, tâm bão số 8 còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 540 km về phía đông.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết - TTDBKTTV quốc gia, cho biết trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 5 - 10 km và có khả năng mạnh thêm. “Dự báo khi càng vào gần quần đảo Trường Sa, cơn bão đạt cường độ mạnh nhất ở vùng gần tâm bão với sức gió mạnh cấp 11 - cấp 12 (100 - 135 km/giờ), giật cấp 14, là cấp gió rất nguy hiểm đối với tàu, thuyền trên biển”, ông Năng cảnh báo.
TTDBKTTV quốc gia cảnh báo do ảnh hưởng của bão số 8, trong 24 giờ tới, ở khu vực bắc Biển Đông sẽ có sóng biển cao tới 5 - 7 m; khu vực giữa Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa có sóng cao 3 - 5 m. Vùng biển quần đảo Trường Sa cao từ 2 - 3 m. Khu vực vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế có sóng cao 3 - 4 m.

115 người chết, 27 người mất tích vì mưa lũ

Mếu máo cầu cứu vì nhà ngập sâu mà bố mẹ kẹt bên trong

Thống kê của Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết đến chiều 21.10, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên đã làm 115 người chết, 27 người mất tích và 39 người bị thương.
Phan Hậu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.