Ngày 20.11, Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết Bí thư Tỉnh ủy, ông Lương Nguyễn Minh Triết đã ký ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Theo nghị quyết, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu bảo tồn, xây dựng và phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực của tỉnh, mang thương hiệu quốc gia…
Bước đầu, tỉnh sẽ hình thành công nghiệp dược liệu với sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực.
Đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu sâm Ngọc Linh ở H.Nam Trà My và các vùng di thực khác trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 8.400 ha để cung cấp nguồn nguyên liệu cho trung tâm công nghiệp và dược liệu, phục vụ cho chế biến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Tổng sản lượng sâm Ngọc Linh đạt khoảng 100 tấn sâm củ/năm.
Đồng thời, tỉnh cũng nâng cấp 2 khu vực bảo tồn nguồn giống sâm Ngọc Linh tại trạm dược liệu Trà Linh và trại sâm Tắk Ngo (H.Nam Trà My) có quy mô sản xuất từ 300.000 - 500.000 cây giống/năm để sản xuất, cung ứng nguồn cây giống đảm bảo về số lượng và đạt tiêu chuẩn; hình thành 30 - 50 vườn sâm Ngọc Linh có quy mô lớn cho hộ gia đình và doanh nghiệp, sản xuất từ 5-10 triệu cây giống…
Đáng chú ý, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn của GACP-WHO; xây dựng, phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật...; đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể từ sâm Ngọc Linh tại các nước dự kiến xuất khẩu và từng bước đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế.
Đến năm 2035, tỉnh duy trì, phát triển diện tích trồng sâm đạt 10.000 ha, tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ công tác chế biến và cung cấp nguồn nguyên liệu cho trung tâm công nghiệp dược liệu, đưa Quảng Nam trở thành trung tâm sản xuất, cung ứng cây giống sâm Ngọc Linh.
Tỉnh Quảng Nam sẽ đẩy mạnh việc phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Để thực hiện mục tiêu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như rà soát, triển khai thực hiện tốt quy hoạch, đề án, dự án hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại và đầu tư hạ tầng vùng sâm Ngọc Linh.
Ngoài ra, cần tập trung hợp tác và hội nhập quốc tế về phát triển và quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về quản lý, bảo tồn và phát triển; hình thành công nghiệp dược liệu, công nghiệp sâm…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam giao Đảng đoàn HĐND, Ban cán sự UBND tỉnh lãnh đạo HĐND và UBND tỉnh cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án để phát triển sâm Ngọc Linh.
Bình luận (0)