Quảng Nam: Thiếu cát đắp đập ngăn mặn, gần 2.000 ha cây trồng nguy cơ 'mất trắng'

Mạnh Cường
Mạnh Cường
22/02/2023 19:42 GMT+7

Việc khan hiếm nguồn cát để đắp đập ngăn mặn, nguy cơ gần 2.000 ha cây trồng ở Quảng Nam 'mất trắng'.

Chiều 22.2, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết UBND tỉnh đã nhận được báo cáo của UBND TX.Điện Bàn về tình hình xâm nhập mặn nguồn nước sông Vĩnh Điện và những khó khăn thi công đắp đập ngăn mặn bảo vệ sản xuất vụ đông xuân.

Sau khi nhận báo cáo, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp Sở TN-MT kiểm tra thực tế cụ thể, hướng dẫn UBND TX.Điện Bàn thực hiện theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo, đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật.

Quảng Nam: Thiếu cát đắp đập ngăn mặn, gần 2.000 ha cây trồng nguy cơ 'mất trắng' - Ảnh 1.

Đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện bị mưa lũ đánh hư hỏng vào tháng 4.2022

C.X

Theo UBND TX.Điện Bàn, từ năm 2013 đến nay, địa phương đã triển khai phương án đắp đập thời vụ trên sông Vĩnh Điện để ngăn mặn, giữ ngọt. Phương án này nhằm đảm bảo tạo nguồn nước tưới cho gần 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã, phường vùng đông Điện Bàn, Hội An (Quảng Nam) và TP.Đà Nẵng.

Năm nay, công trình đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện vẫn thống nhất chủ trương xây dựng trên vị trí cũ thuộc P.Điện Ngọc. Tuy nhiên, đến 16 giờ 30 ngày 16.2 (thời điểm mở thầu), kết quả không có đơn vị nào tham dự gói thầu thi công công trình này.

Tổ chức đấu thầu lại

Căn cứ theo hồ sơ thiết kế đập được duyệt thì vật liệu dùng cho công trình chủ yếu là cát, cây bạch đàn, tre. Đặc biệt nguồn cát đắp cho đập khoảng 10.000 m3 lấy từ mỏ vật liệu trên sông Thu Bồn vận chuyển bằng đường sông, đường bộ nhưng hiện nay các mỏ vật liệu trên địa bàn hết thời gian khai thác và đã đóng cửa.

Quảng Nam: Thiếu cát đắp đập ngăn mặn, gần 2.000 ha cây trồng nguy cơ 'mất trắng' - Ảnh 2.

Nguy cơ gần 2.000 ha hoa màu "mất trắng" vì thiếu cát đắp đập ngăn mặn

MẠNH CƯỜNG

Ngoài ra, các mỏ vật liệu cát, đất ở khu vực Đại Lộc, Duy Xuyên… tuy còn sản lượng khai thác nhưng không hoạt động. Do vậy, công tác đắp đập không thực hiện được nếu không có cát, gây mất mùa gần 2.000 ha cây trồng đang trong giai đoạn phát triển.

Vì vậy, UBND TX.Điện Bàn kính đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét, cho phép lấy cát với khối lượng khoảng 10.000 m3 tại điểm mỏ ĐB02 (xã Điện Thọ).

Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương về nguồn cát, địa phương sẽ tổ chức đấu thầu lại và chịu trách nhiệm giám sát, quản lý theo phương án khai thác phục vụ công tác thi công đập ngăn mặn.

Trường hợp UBND tỉnh không chấp thuận chủ trương nguồn cát thì UBND TX.Điện Bàn phải thực hiện thay đổi vật liệu làm đập bằng thép cừ Larsen. Từ đó phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế và dự toán, thẩm định, phê duyệt rồi mới đăng tải, tổ chức lựa chọn nhà thầu lại. Điều này dẫn đến chậm trễ trong quá trình triển khai thi công đắp đập ngăn mặn, ảnh hưởng rất lớn đến diện tích đất nông nghiệp đang sản xuất trong khu vực.

UBND TX.Điện Bàn cho rằng, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thì năm 2023 nắng nóng gay gắt hơn năm 2022, mực nước sông xuống thấp, gây khô hạn và nhiễm mặn. Hiện nay, đã có nước mặn xâm nhập với nồng độ mặn tại cầu Tứ Câu, cụ thể: vào ngày 5.2 là 6,2‰, vào ngày 16.2 là 6,5‰.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.