Cứ mưa lũ là chạy
Chỉ về phía mấy ngọn tre do mình trồng để giữ đất đang vật vờ giữa dòng sông Thu Bồn, bà Tăng Thị Tín (60 tuổi, ở thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung, H.Nông Sơn) thở dài: “Mùa mưa năm nay lại phải chạy đi lánh nạn nữa rồi... Sạt lở giờ ăn sâu chỉ cách nhà khoảng vài mét. Mưa bão năm nay nếu không chạy đi nơi khác trú ẩn thì nguy cơ cả nhà và người trôi xuống sông luôn. Cứ mỗi mùa mưa lại thấp thỏm, đứng ngồi không yên”.
Căn nhà của gia đình bà Tín chỉ cách bờ sông Thu Bồn khoảng vài mét |
MẠNH CƯỜNG |
Theo bà Tín, trước đây căn nhà của bà cách bờ sông hơn 30 m. Nhưng vài năm nay, bờ sông Thu Bồn sạt lở liên tục, “ăn” vào sát nhà. Trận mưa lũ năm ngoái, chỉ sau một đêm, nước dâng cao đã cuốn trôi chuồng trại chăn nuôi của gia đình. “Để kè tạm, người dân tập trung tìm cách trồng tre để giữ đất, nhưng sạt lở quá mạnh khiến các lũy tre cũng bị cuốn luôn. Cứ thế, “hà bá” từng bước nuốt chửng hàng chục mét đất vườn của gia đình tôi cùng nhiều hộ dân khác. Nhiều căn nhà chỉ nằm cách mép sông chừng 3 - 5 m”, bà Tín ngao ngán nói.
Cùng chung cảnh ngộ, nhiều năm qua các hộ dân sống ở khu vực bến đò Trung Phước (thôn Trung Phước 1, xã Quế Trung) cũng khổ sở vì nạn sạt lở. Bà Nguyễn Thị Huê (60 tuổi, ở thôn Phước Trung 1) cho hay các hộ dân sống hai bên bờ sông năm nào cũng mất đi cả chục mét đất. Gần 2 sào đất trồng hoa màu, 2 lũy tre sát nhà bà cũng bật gốc. “Mùa mưa bão đến rồi, không biết tới đây sẽ có thêm bao nhiêu mét đất bị trôi nữa. Phần móng nhà tôi bị sạt lở, chỉ cần mưa lớn kéo dài vài ngày là có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào”, bà Huê buồn bã. Cũng theo bà Huê, cứ bão lụt là các hộ trong khu vực nguy cơ sạt lở bờ sông phải chạy tìm chỗ trú ẩn.
Móng nhà dân bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ trôi theo sông Thu Bồn |
Không có kinh phí
Nhiều người dân dọc sông Thu Bồn, đoạn qua Trung Phước, mong sớm được di dời sau nhiều năm mòn mỏi trông chờ nhà nước xây bờ kè giữ đất, giữ làng. Ông Đỗ Trường Thương, Phó chủ tịch UBND xã Quế Trung, cho biết ven sông Thu Bồn đoạn chảy qua địa phương có 2 điểm sạt lở lớn gây ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 50 hộ dân của thôn Trung Phước 1 và Trung Phước 2. Trước đây, người dân trồng tre làm kè tạm giữ đất, nhưng cũng chỉ là biện pháp tình thế. Để giải quyết triệt để vấn đề này thì cần phải đầu tư làm kè bê tông cốt thép. Tuy nhiên, vấn đề này chính quyền xã không thể nào đáp ứng được vì kinh phí quá lớn. Xã đã kiến nghị lên UBND H.Nông Sơn có biện pháp giải quyết cụ thể.
Ông Trần Thiện Thắng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Nông Sơn, cho biết đơn vị đã tổ chức kiểm tra, khảo sát và đánh giá mức độ sạt lở để tìm hướng khắc phục sau khi tiếp nhận phản ánh về tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng. “Tạm thời chúng tôi khuyến cáo người dân nên trồng tre để giữ đất, hạn chế tình trạng sạt lở. Về lâu dài, chúng tôi đã kiến nghị lên huyện xin nguồn hỗ trợ từ tỉnh và T.Ư để xây dựng bờ kè cứng hoặc bố trí khu tái định cư mới cho bà con nhằm đảm bảo an toàn”, ông Thắng nói.
Bình luận