Riêng mực nước tại các hồ thủy điện như: Sông Tranh 2, mực nước 161,60m, A Vương mực nước 366,40, Sông Bung 4 mực nước 217,07, Đak Mi 4 mực 255,65.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay năm nay tại Đà Nẵng diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC, đây là sự kiện chính trị hết sức quan trọng của Việt Nam trong năm 2017. Vì vậy tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan phải có kế hoạch ứng phó với thiên tai, để không xảy ra bất cứ thiệt hại nào khi Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra.
Hiện nay, vùng biển Quảng Nam đang có 60 tàu cá hoạt động với 1.807 lao động. Trong đó có 30 thuyền đang thả trôi. Để đảm bảo an toàn cho tàu cá của ngư dân đang hoạt động trên biển, phía Bộ đội biên phòng, cần phối hợp các bên liên quan thông tin liên tục cho ngư dân đang đánh bắt ở gần khu vực Trường Sa. Nắm rõ tọa độ nơi các tàu cá đang hoạt động để hướng dẫn ngư dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và vào bờ trú ẩn an toàn.
Ông Thanh, cũng đề nghị các hồ thủy điện không được chủ quan, phải tính đến trường hợp sự cố xảy ra, đảm bảo ứng phó kịp thời 100%. Khi xả lũ thì xả với mực nước bằng hoặc thấp hơn mức nước đón lũ. Đặc biệt, thủy điện A Vương là thủy điện cung cấp điện dự phòng cho Tuần lễ Cấp cao APEC, vì vậy cần phải có phương án cụ thể để việc cấp điện được đảm bảo.
Thứ Trưởng Bộ NN-PTNN Hoàng Văn Thắng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, cho biết theo Trung tâm khí tượng thủy văn T.Ư, dự kiến từ ngày 4-8, ảnh hưởng của bão số 12 kèm với không khí lạnh từ miền bắc tràn xuống sẽ gây mưa lớn trên diện rộng từ các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở vào. Vì vậy, các hồ thủy điện ở Quảng Nam cần đảm bảo an toàn trong việc việc xả nước. Các đơn vị, cơ quan liên quan cần họp để phối hợp vận hành các hồ thủy điện, điều chỉnh xả nước ở các hồ.
Cũng theo ông Thắng, nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại TP.Đà Nẵng, trong tình hình thời tiết đang diễn ra thất thường, tỉnh Quảng Nam phải có kế hoạch ứng phó với thiên tai để không xảy ra bất cứ thiệt hại nào. Mọi tính toán đều phải thiên về sự kiện APEC, không để xảy ra sự cố làm ảnh hưởng đến hình ảnh Quốc gia và sự kiện quan trọng này.
“Năm nay thời tiết thất thường vì vậy yêu cầu các ban ngành liên quan chủ động ứng phó. Khi xả lũ phải đảm bảo an toàn hồ đập và các vùng hạ lưu. Đặc biệt, phải có kịch bản để chủ động di dân ở vùng hạ lưu, tránh thiệt hại về người và tài sản”, ông Thắng nhấn mạnh.
Hai trường hợp tử vong do mưa lũ
Chiều 2.11, ông Trương Nhành, Phó chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa (H.Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến một học sinh lớp 4 tử vong. Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 15 giờ ngày 1.11, em Nguyễn Đình Quân (10 tuổi) cùng bạn học ra kênh mương gần nhà thuộc thôn Phiếm Ái 2 (xã Đại Nghĩa) để bắt cá. Trong lúc đang bắt cá, không may Quân bị trượt chân rơi xuống một mương thoát nước, tử vong. Chiều cùng ngày (2.11), ông Đỗ Đình Long, Phó trưởng phòng NN-PTNN H.Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam), cho biết trên địa bàn cũng xảy ra một vụ đuối nước thương tâm do mưa lũ. Trước đó vào lúc 14 giờ ngày 1.11, ông Nguyễn Văn Triêm (73 tuổi, ở thôn Khánh Bình, xã Quế Ninh, H.Nông Sơn), đang trên đường đi rẫy. Khi đến đoạn cầu Khe Con (thôn Khánh Linh 1, xã Quế Ninh), không may ông Triêm bị trượt chân rơi xuống dòng nước lũ và bị nước cuốn trôi. Đến khoảng 19 giờ ngày 1.11, thi thể ông Triêm được tìm thấy cách đó khoảng 50m. |
Bình luận (0)