Trong đó, ưu tiên phát triển chăn nuôi bò thịt và chăn nuôi trâu ở miền núi; thu hút đầu tư các trại chăn nuôi theo hướng chăn nuôi hữu cơ, sử dụng thức ăn sẵn có tại địa phương để giảm giá thành sản phẩm; hỗ trợ và định hướng phát triển chăn nuôi, không tăng tổng đàn heo, hình thành và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi (từ con giống, sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm chăn nuôi an toàn) với sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp và tổ chức liên kết của các tổ hợp tác, hợp tác xã, nhất là đối với chăn nuôi heo, nhằm giảm bớt khâu trung gian và chủ động đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Theo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có 89 trang trại chăn nuôi tập trung. Thời gian qua, nhiều công ty đã liên kết với người chăn nuôi ở tỉnh áp dụng công nghệ nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, hình thành một số mô hình chăn nuôi theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, cả tỉnh hiện có 56 trang trại chăn nuôi heo thịt liên kết với các công ty. Do vậy, mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng chung về sự sụt giảm giá thịt heo trong thời gian qua nhưng đầu ra và giá cả nhìn chung ổn định, không bị tư thương ép giá.
Liên quan đến phát triển chăn nuôi, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã phê duyệt kế hoạch cải tạo và phát triển đàn trâu theo hướng nuôi trâu thịt đến năm 2020 tại 3 huyện miền núi: Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long. Cụ thể, lai tạo giống trâu bằng phương pháp nhảy trực tiếp cả chu kỳ dự án là 11.700 con; số lượng nghé lai ra đời là 10.530 con. Ngoài ra, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi trâu cho nông dân, xây dựng 130 chuồng nuôi trâu đực giống đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật, mô hình trồng cỏ và dự trữ rơm rạ làm thức ăn cho trâu. Tổng kinh phí đầu tư hơn 109 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 6,9 tỉ đồng để mua trâu đực giống, mô hình trồng cỏ, làm chuồng trại, tập huấn kỹ thuật và vốn của người dân hơn 102,3 tỉ đồng (chủ yếu là chi phí chăn nuôi trâu).
Bình luận (0)