Chợ tiền tỉ không có tiểu thương
Sau khi xuất phát từ cảng Cái Rồng (H.Vân Đồn), gần 30 phút lênh đênh trên biển bằng tàu gỗ, chúng tôi đến xã đảo Bản Sen.
Chợ nông thôn mới đầu tư hơn 1 tỉ đồng bỏ hoang tại xã đảo nghèo Bản Sen (H.Vân Đồn) |
thu giang |
Tiếp xúc với người dân nơi đây, chúng tôi nghe được nhiều câu chuyện tréo ngoe. Theo đó, dù là xã khó khăn nhất của H.Vân Đồn cũng như tỉnh Quảng Ninh, nhưng nhiều công trình an sinh xã hội lại bỏ hoang.
Dẫn chúng tôi đến chợ trung tâm xã Bản Sen, ông P.V.H ngao ngán cho biết, công trình này xây dựng từ năm 2018 rồi "đắp chiếu" từ đó đến nay.
“Người dân chúng tôi kỳ vọng nơi này trở thành trung tâm buôn bán của địa phương, tuy nhiên, đến nay chợ vẫn trong tình trạng hoang vắng. Hiện xã vẫn đang tiếp tục vận động bà con vào họp chợ”, ông P.V.H nói.
Hạ tầng phục vụ tại chợ xây dựng kiên cố nhưng chưa một lần sử dụng |
thu giang |
Theo phản ánh của người dân, xã đảo có vài trăm hộ sinh sống, các thôn, khu dân cư thưa thớt nằm cách xa nhau. Nếu chợ đi vào hoạt động, người dân phải đi lại hàng chục cây số mới đến đây để mua được mớ rau, cân thịt, con cá...
Bà L.N.T (40 tuổi, xã Bản Sen) cho biết, việc xây chợ không tính đến mật độ dân số, nhu cầu của người dân. Chính vì vậy, vài hộ kinh doanh không mặn mà với việc vào chợ để mua bán. Nếu cần, người dân có thể đặt hàng qua mạng xã hội là có người mang đến.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, chợ này nằm ngay trung tâm xã Bản Sen, có vị trí giao thông thuận tiện. Theo thiết kế, chợ có diện tích hơn 1.000 m2, gồm: nhà để xe có mái che, 2 dãy nhà lợp mái tôn, khu họp chợ ngoài trời, nhà vệ sinh… Chợ được xây kiên cố, sạch đẹp nhưng không thấy tiểu thương đâu.
Xây chợ, công trình giếng nước để đủ tiêu chí về nông thôn mới ?
Theo UBND H.Vân Đồn, công trình chợ Bản Sen được triển khai xây dựng từ năm 2018. Để chợ đi vào hoạt động, UBND xã Bản Sen đã gửi thông báo đến các hộ dân trong và ngoài địa phương có nhu cầu để đăng ký kinh doanh
Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn dân tập trung phòng chống dịch nên các hộ không tham gia. Bên cạnh đó, một số hộ dân chỉ đăng ký chứ chưa có phương án kinh doanh cụ thể.
Chợ nông thôn mới Bản Sen được đầu tư kiên cố, nhưng không có tiểu thương |
thu giang |
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo UBND H.Vân Đồn cho biết, chợ được nghiệm thu bàn giao trong thời gian dịch bệnh Covid-19 phức tạp, các hộ dân sản xuất, kinh doanh nói chung trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, địa bàn dân số ít, dân cư phân bố thưa thớt rải rác trải dài trên 20 km, không tập trung nên nhu cầu mua bán tại chợ của người dân rất hạn chế.
UBND xã Bản Sen đang vận động các hộ đã đăng ký trước đây cũng như các hộ có nhu cầu vào chợ kinh doanh. Đồng thời tạo mọi điều kiện cho các hộ đã đăng ký và bán hàng tại chợ để yên tâm kinh doanh, phát huy hiệu quả công trình.
Tuy nhiên việc đánh giá về hiệu quả, cũng như đến khi nào chợ Bản Sen đi vào hoạt động thì vẫn bỏ ngỏ.
Theo UBND H.Vân Đồn, việc xây chợ trung tâm xã Bản Sen là để hoàn thiện tiêu chí để xã được công nhận xã nông thôn mới. Công trình chợ do UBND xã Bản Sen làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 1 tỉ đồng.
"Hiện nay tại xã đảo vẫn tồn tại chợ tạm buôn bán nhỏ lẻ, nhu cầu người dân không lớn nên việc kêu gọi tiểu thương vào chợ rất khó khăn. H.Vân Đồn đang lên phương án, tạo cơ chế ưu đãi để đưa tiểu thương vào đây buôn bán", một lãnh đạo H.Vân Đồn cho biết.
H.Vân Đồn đang tiếp tục kêu gọi tiểu thương vào chợ kinh doanh buôn bán nhưng nhu cầu người dân lại chưa cần |
thu giang |
Để hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới, xã Bản Sen còn đưa vào hoạt động công trình giếng nước sinh hoạt phục vụ cho người dân trên đảo từ năm 2018, với mức đầu tư khoảng 1 tỉ đồng. Thế nhưng sau một thời gian hoạt động, giếng nước này “đắp chiếu” từ tháng 9.2021 đến nay.
Theo lý giải của UBND xã Bản Sen, nguyên nhân là do nguồn nước cấp hạn chế, lại có màu đục không đảm bảo tiêu chuẩn, người dân không đến đây sử dụng.
Xã đảo Bản Sen (H.Vân Đồn) có diện tích tự nhiên 7.204 ha, chiếm 12,87% diện tích toàn huyện và có diện tích vùng biển rộng 4.900 ha, có 336 hộ với 1.212 nhân khẩu. Xã có 3 thôn chủ yếu làm nông nghiệp, lâm nghiệp; 3 thôn trồng rừng, cam, chè và nuôi trồng thủy sản.
Bình luận (0)