Quảng Ninh dùng đất đá thải mỏ san lấp mặt bằng các dự án ở Vân Đồn

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
29/09/2021 09:51 GMT+7

Để bảo vệ môi trường tự nhiên ở Vân Đồn , tỉnh Quảng Ninh đã dừng việc lấy đất đồi để san lấp mặt bằng, thay vào đó sẽ dùng đất đá từ bãi thải mỏ.

Theo Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), dự kiến trong giai 2021 - 2025, nhu cầu san lấp mặt bằng các dự án tại H.Vân Đồn khoảng khoảng 70 triệu m3 đất đá/năm.
Nếu tiếp tục sử dụng nguồn vật liệu tại chỗ như trước đây là phá đồi lấy đất thì chẳng bao lâu môi trường tự nhiên sẽ bị hủy hoại. Trước tình hình trên, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định dùng nguồn đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng các dự án tại Vân Đồn.
Ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND H.Vân Đồn, cho biết địa phương này đang vận động các doanh nghiệp đã trúng thầu việc nghiên cứu các mỏ đất trên địa bàn tại dự án để chuyển sang phương án vận chuyển đất đá thải mỏ.
Theo đó, để có vật liệu san lấp mặt bằng, tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ lấy đá từ bãi thải Đông Cao Sơn (TP.Cẩm Phả), rồi chuyển bằng hệ thống băng tải đến cảng Khe Dây (TP.Cẩm Phả).
Từ cảng Khe Dây, sà lan có thể vận chuyển đất đá thải mỏ bằng đường biển về Khu kinh tế biển Quảng Yên - nơi đang cần số lượng nguyên liệu san lấp mặt bằng cực lớn cho các khu công nghiệp, các dự án trọng điểm.

Các bãi thải mỏ tại TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh) cao hàng trăm mét như núi, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở

N.H

Trước đó, tỉnh Quảng Ninh đã thí điểm việc dùng đất đá từ các bãi thải mỏ tại TP.Hạ Long để san lấp mặt bằng dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả. Việc sử dụng nguồn vật liệu này vừa đảm bảo chất lượng, lại bảo vệ cảnh quan môi trường.
Tuy nhiên, theo Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh, việc được chấp thuận dùng đất đá thải mỏ làm vật liệu sản lấp thì địa phương này mất 1 năm làm thủ tục. Địa phương hiện có 59 dự án khai thác than, với 6 bãi thải lớn của ngành than đang hoạt động. Trong khi đó, mỗi năm các đơn vị thuộc Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam thải từ 250 - 300 triệu m3 đất đá tại các mỏ lộ thiên và gần 1,3 triệu m3 xít thải của các nhà máy tuyển than.
Mỗi năm gần đây, ngành than phải đổ trên 100 triệu m3 đất đá thải mỏ. Có những bãi thải mỏ tồn tại hàng trăm năm, hiện chất như núi, trong đó bãi Đông Cao Sơn cao hơn 300 m, bãi Cọc Sáu cao 280 m, bãi Nam Đèo Nai cao 200 m. Những "núi thải" này đang không biết dùng vào việc gì, ngày đêm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống nhân dân và còn tạo thành những quả “bom bùn” treo lơ lửng trong mùa mưa lũ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.