Quảng Ninh: Giải cứu san hô vịnh Hạ Long trước nguy cơ tuyệt chủng

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
23/07/2021 12:47 GMT+7

Hơn 100 loài san hô đặc hữu trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được được giải cứu trước nguy cơ tuyệt chủng vì ô nhiêm môi trường.

Qua khảo sát của UBND TP.Hạ Long, trên vịnh Hạ Long hiện có 110 loài san hô cứng và 37 loài san hô mềm. Trong đó, san hô cứng có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo rạn san hô ven các đảo đá trong vịnh Hạ Long và là nơi sinh cư của hàng nghìn loài sinh vật biển.
Mặc dù san hô khá phong phú nhưng số lượng lại không nhiều, độ phủ cũng như diện tích đang suy giảm trong vịnh Hạ Long.
Cụ thể, vào những năm trước 1998, ở vịnh Hạ Long còn một số rạn thuộc loại tốt và rất tốt (tương ứng với độ phủ trên 51% và trên 76%), nhưng đến năm 2003 thì độ phủ đã bị suy giảm một bậc, không còn rạn nào thuộc loại rất tốt. Kết quả khảo sát vào năm 2015 thì không còn rạn nào thuộc loại tốt, độ phủ của các rạn tốt nhất là dưới 50% và độ phủ bình quân trên toàn vịnh chỉ còn khoảng 20%.
Theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, sự suy thoái của san hô sẽ ảnh hưởng đến giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan cũng như nguồn lợi hải sản trên vịnh Hạ Long.
Để cứu lấy những rạn san hô quý còn sót lại, năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quy chế quản lý vịnh Hạ Long, trong đó có quy định không đánh bắt thủy sản trong khu vực di sản.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, quy định này có ý nghĩa “sống còn” trong việc bảo tồn, gìn giữ các loài thủy sản, thực vật đặc hữu đang có của kỳ quan vịnh Hạ Long.
“Hiện nay, trên vịnh Hạ Long, hàng ngày có hàng nghìn tàu thuyền qua lại, loại phương tiện này hầu như không có thiết bị bảo vệ môi trường. Do vậy, sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, đặc biệt là ô nhiễm dầu, gây đục nước, là những nguyên nhân chính làm chết san hô”, vị lãnh đạo Ban quản lý vịnh Hạ Long nói.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đào tạo nhân lực chuyên sâu về quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô; tổ chức tuần tra, kiểm soát thường xuyên, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó có hành vi xâm hại hệ sinh thái rạn san hô.
Ban quản lý vịnh Hạ Long thường xuyên quan trắc, giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô để kịp thời phát hiện nguy cơ gây đe dọa và triển khai các giải pháp bảo vệ, khôi phục.
Cùng với đó là khoanh vùng, bảo vệ nghiêm ngặt các rạn san hô có độ phủ cao, từ 30% trở lên; xác định vị trí, độ phủ, thành phần loài, xây dựng cơ sở dữ liệu, lập bản đồ khoanh vùng, đặt biển cảnh báo, không cho tàu thuyền hoạt động, tăng tần suất kiểm tra địa bàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.