Quay đều quay đều xe đạp: Mong Hà Nội lập quận xe đạp, thành phố đạp xe?

12/05/2019 10:12 GMT+7

Những vòng xe thương hoài giờ đang dần trở lại, nhiều hơn, ở góc công viên, trên con đường ven hồ Hà Nội.

Rảnh rang và thư giãn

Ông Lê Việt Hà, Tổng biên tập tạp chí Quy hoạch đô thị Ashui.com, bắt đầu đi xe đạp 4 năm trở lại đây sau khi con đã lớn và ông không phải đưa đón chúng đi học nữa. “Tôi đã luôn muốn và chọn đi xe đạp đầu tiên là vì nhu cầu đi chậm để vừa đi vừa suy nghĩ về công việc, và rất hiệu quả. Tiếp đến tôi có thể thưởng thức phố phường và không gian thành phố dễ dàng. Một điều rất tích cực nữa là chi phí đi lại gần như bằng không”, ông nói. Ông cũng tham gia nhóm đạp xe với bạn bè vào cuối tuần xung quanh hồ Tây.

Trong khi đó, gia đình chị Ngọc Mai lại chọn công viên Tuổi trẻ (Q.Hai Bà Trưng) để đạp xe buổi tối. Đường trong công viên nhỏ nhắn, nhưng lúc nào cũng có người đạp xe. Xe người lớn, xe trẻ em. Họ đạp xe trên những con đường lan khắp công viên. Cùng “nhâm nhi” cả buối tối với họ là những người đi bộ, nhóm tập khiêu vũ hay thể dục nhịp điệu. Công viên chưa bao giờ thưa vắng. “Từ ngày không đi học phổ thông nữa, tôi cũng không đi xe đạp. Nhưng đạp xe trở lại lững thững vài lần trong tuần làm tôi vui”, chị Mai chia sẻ.
Tại hồ Gươm, người dân đi xe đạp rất nhiều vào buổi sáng quanh hồ. Nhóm cư dân sống ở phố cổ, đặc biệt người không làm nhà nước hoặc đã nghỉ làm cũng ưa phương tiện giao thông này. Về độ tuổi, nhóm đi xe đạp có phổ rộng, từ thiếu niên đến người cao tuổi.
“Đối với người đi xe đạp, điều kiện cần trước hết là an toàn, rồi đến môi trường không khí trong lành. Mà những điều kiện này ở các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM chúng ta chỉ có được ở các khu vực công viên và hồ lớn. Ví dụ như hồ Tây ở Hà Nội, từ khi tuyến đường bờ hồ được khai thông, người đi xe đạp quanh hồ tăng lên đáng kể, các nhóm đạp xe cũng luôn hẹn nhau ở đây vào mỗi cuối tuần”, ông Hà nói.
Tuy nhiên, “Hà Nội hiện nay gần như là thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất cả nước. Đây chính là vấn đề cản trở chính cho việc đi lại bằng xe đạp. Khi chúng ta vận động như đi bộ, chạy bộ hay đạp xe, cường độ hít vào thở ra rất cao, chính vì vậy không khí ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hô hấp, sức khỏe con người”, ông Hà cũng là một kiến trúc sư đang làm công tác quy hoạch đô thị cho biết.

Quận xe đạp, thành phố đạp xe

Theo các nhà quy hoạch, Hà Nội với những con phố nhỏ và ngõ ngách vốn là một đô thị rất phù hợp cho phương tiện xe đạp. Hệ thống giao thông này khiến đi làm trong các quận trung tâm bằng xe đạp rất thuận tiện. Vì thế, họ cho rằng có thể phát triển hệ thống giao thông công cộng kết hợp xe đạp chia sẻ như nhiều thành phố trên thế giới đang làm.
“Tôi mơ ước Q.Ba Đình sẽ trở thành quận xe đạp với hình ảnh công chức đạp xe đi làm. Tôi cũng hy vọng Hà Nội sẽ có làn dành cho xe đạp. Như Copenhagen (Đan Mạch) hay Amsterdam (Hà Lan), Hà Nội sẽ là một thành phố xe đạp trong tương lai”, ông Hà chia sẻ.
Hiện tại, sáng kiến Ta đi xe đạp cũng được khởi động trên mạng xã hội. Hưởng ứng ngày Xe đạp thế giới của LHQ vào 3.6, Tuần lễ Ta đi xe đạp cũng sẽ được tạp chí quy hoạch đô thị Ashui.com (Hội Quy hoạch đô thị VN) và một số đơn vị phối hợp tổ chức lần đầu vào năm nay.
Tuy nhiên, theo GS Jan Gehl (Đan Mạch), việc phát triển thành phố xe đạp cần có nhiều hỗ trợ từ chính quyền. “Cần sự chuyển biến văn hóa từ cuộc đua xe đạp lạng lách giữa một rừng xe hơi sang việc mọi người được đạp xe đúng luật dọc tuyến đường cho xe đạp. Đó là một loại phương tiện và là một bổ sung hợp lý về giao thông. Sự chuyển biến này đem xe đạp gần hơn và song hành với người đi bộ. Xe đạp sẽ có một vị trí tự nhiên trong đời sống đô thị”, ông cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.