Quê hương Lại Đà đau xót và tự hào

21/07/2024 07:11 GMT+7

Thôn Lại Đà (xã Đông Hội, H.Đông Anh, TP.Hà Nội) là nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra và lớn lên. Hay tin Tổng Bí thư từ trần, người dân nơi đây vô cùng đau xót.

Nước mắt người bạn già

Bật khóc khi nói về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cụ ông Ngô Bá Dục (82 tuổi, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, H.Đông Anh, TP.Hà Nội) nghẹn ngào: "Tôi nghe nói các y bác sĩ đã cố gắng lắm, nhưng tuổi cao sức yếu, 80 tuổi rồi thì biết phải làm sao. Ở cái tuổi của chúng tôi, việc ra đi cũng là chuyện thường, nhưng anh ấy ra đi nhanh quá, tôi cũng không khỏi bàng hoàng, xót xa".

Quê hương Lại Đà đau xót và tự hào- Ảnh 1.

Cổng vào làng Lại Đà

NGUYỄN ANH

Cuộc phỏng vấn giữa PV Báo Thanh Niên và cụ ông Ngô Bá Dục, người bạn thiếu thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng vì những cảm xúc đau buồn xen ngang. Cụ Dục là một trong số ít những người bạn cùng làng đã lớn lên và học tập cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ cấp 1 đến cấp 3. Theo cụ Dục, do hoàn cảnh, cả làng Lại Đà thời đó chỉ có 3 người theo học được hết cấp 3.

Bạn già làng Lại Đà khóc nghẹn, nhớ thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cẩn thận lật lại cuốn album, cho PV xem từng tấm ảnh chụp chung với Tổng Bí thư từ thời còn trẻ cho đến lúc tuổi ngoài 80, cụ Dục bồi hồi nhớ lại những ngày cùng Tổng Bí thư chân đất đến trường. Lúc đó, cụ Dục được bạn bè gọi với cái tên thân thương "Dục áo nâu", còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "Trọng quần cá rô đớp gấu". Nói về 2 tên gọi thân mật này, cụ Dục cho hay cả hai xuất thân trong gia đình nghèo, do vậy cụ Dục thường mặc áo nâu, còn Tổng Bí thư mặc loại quần "chờ lớn" nên ống thường dài và bị rách gấu khi chưa kịp lớn.

Quê hương Lại Đà đau xót và tự hào- Ảnh 2.

Cụ Ngô Bá Dục lật lại cuốn album chứa những tấm ảnh thời niên thiếu của mình và Tổng Bí thư được lưu giữ cẩn thận

TRẦN CƯỜNG

Cụ Dục kể thời cấp 1, nhà trường 3 lần phải chuyển địa điểm và nhiều lần thay giáo viên, nhưng ông và Tổng Bí thư vẫn kiên trì theo đuổi con chữ. Đến cấp 2, cấp 3, hai anh em phải học xa nhà, đi thuê trọ trong khi gia đình chỉ cấp mỗi tháng 15 đấu gạo (khoảng 15 kg). Để có tiền mua sách bút, sau mỗi giờ học, hai ông phải bơi ra sông Hồng để vớt củi làm chất đốt, giảm bớt phần nào chi phí. Cạnh đó, cả hai cùng vào Khu công nghiệp Đức Giang để dạy bổ túc cho công nhân. Theo cụ Dục: "Thời điểm đó mỗi tiết tôi và anh Trọng được trả 7 hào, mỗi tuần 2 buổi cũng được hơn 4 đồng để chi tiêu và mua sách bút".

Dù nghèo, nhưng cả hai đều ham học và có kết quả tốt. Tổng Bí thư thời đó đứng thứ 3 trong lớp, song được các thầy cô đánh giá là học sinh toàn diện. Lên đại học, mỗi người một trường, nhưng vẫn giữ mối quan hệ khăng khít. Ra trường, cụ Dục đi theo nghề giáo; còn Tổng Bí thư trở thành nhà báo và sau đó tiếp tục theo học rồi bước vào chính trường. Tuy đã trở thành một chính trị gia lỗi lạc, nhưng Tổng Bí thư vẫn luôn là một người giản dị, khiêm nhường trong mắt bạn bè. Cụ Dục kể có lần họp lớp cấp 3, Tổng Bí thư khi đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội đã bắt xe ôm đến dự họp lớp khiến chủ nhà hàng phải giật mình vì "không biết có việc gì mà lãnh đạo thành phố đến tận đây".

Nhân dân tiếc thương

Cách nhà cụ Dục vài bước chân là nhà cụ ông Vương Khắc Côn (81 tuổi), cũng là một người bạn từ thuở thiếu thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong câu chuyện với PV Báo Thanh Niên, cụ Côn nhắc nhiều về sự mộc mạc, chân thành của Tổng Bí thư với bạn bè và dân làng.

Quê hương Lại Đà đau xót và tự hào- Ảnh 3.

Cụ Vương Khắc Côn cho PV xem ảnh chụp cùng Tổng Bí thư trong dịp chúc thọ 70 tuổi của mình

NGUYỄN ANH

Cụ Côn kể năm 2003, khi Tổng Bí thư đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội có quyết định về dự án tu sửa đình làng Lại Đà và đề xuất kinh phí 5 tỉ đồng. Tuy nhiên khi được báo cáo việc này, Tổng Bí thư cho rằng ngôi đình chưa thật sự xuống cấp và đề nghị xem lại các khoản chi cho hợp lý. Điều này khiến cụ Côn cảm phục về sự liêm khiết, luôn vì cái chung mà không vì lợi ích riêng của Tổng Bí thư.

Là trưởng họ Nguyễn Phú của thôn Lại Đà, ông Nguyễn Phú Việt, Bí thư Chi bộ thôn, cho biết với người dân nơi đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là niềm tự hào của quê hương. Những lời dặn của Tổng Bí thư trong những lần về thăm quê đã trở thành định hướng cho quê hương phát triển từng ngày.

Ông Việt cho hay cách đây 2 tuần, vào ngày 1.6 âm lịch (ngày 6.7 dương lịch), Tổng Bí thư có về thăm quê, thắp hương tổ tiên. Trước kia, mỗi dịp lễ, tết hoặc có thời gian rảnh, Tổng Bí thư thường về thăm quê, thăm dân làng, chúc thọ các cụ cao niên và trò chuyện với bà con trong không khí gần gũi, thân tình.

Bà Nguyễn Kim Chi, giáo viên Trường THCS Ngô Quyền (xã Đông Hội), cho biết quê hương mình có truyền thống hiếu học, đỗ đạt cao. Nói về Tổng Bí thư, bà Chi cho hay dù không sinh cùng thời nhưng bà ấn tượng vì đây là một người khiêm nhường, giản dị, chí công vô tư và là một tấm gương sáng về sự học tập suốt đời.

"Tôi cũng được nghe kể lại bác là người học giỏi từ nhỏ. Dù vất vả nhưng bác vẫn tự học và tự vươn lên, phấn đấu không ngừng nghỉ", bà Chi nói và cho hay biết tin Tổng Bí thư từ trần, bà cũng như mọi người trong thôn rất đau xót, vì ai cũng quý trọng Tổng Bí thư và tự hào về Tổng Bí thư.

Bà Chi cho biết từ khi hay tin Tổng Bí thư từ trần, các cô, các bác trong hội người cao tuổi; các chị em trong hội phụ nữ; các cháu đoàn viên và giáo viên các trường đã cùng nhau ra dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm và các điểm thờ tự, nhà văn hóa…, đảm bảo an ninh trật tự để chuẩn bị đón tiếp thân nhân gia đình Tổng Bí thư cùng các đoàn khách về thăm quê, thắp những nén nhang thơm đưa tiễn người lãnh tụ kính yêu.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.