Quê hương luôn đặc biệt trong tim...

06/02/2024 06:18 GMT+7

Có thể ở nước ngoài, cộng đồng kiều bào vẫn có nhiều cách để đón tết cổ truyền, nhưng làm việc này ngay trên quê cha đất tổ luôn để lại những cảm xúc đặc biệt.

Những ngày cuối năm, nhiều kiều bào khắp nơi trên thế giới dành thời gian về nước đón tết cùng gia đình, thăm lại những người bạn xưa cũ, và cũng là dịp cảm nhận sự đổi thay của đất nước, của từng vùng đất mà mình đã sinh sống, gắn bó.

Quê hương luôn đặc biệt trong tim...- Ảnh 1.

Kiều bào cảm nhận sự đổi thay của TP.HCM sau nhiều năm xa quê hương

NHẬT THỊNH

NHỚ TẾT, NHỚ QUÊ

Ông Võ Thành Đăng (kiều bào Singapore), Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài, từng nhiều năm xa quê, sinh sống và làm việc ở Singapore và New Zealand. Nếu như ở New Zealand, dịp Tết Nguyên đán, người dân vẫn đi làm bình thường thì ở Singapore lại có kỳ nghỉ dài hơn và nhiều hoạt động đón tết hơn, do Singapore có cộng đồng người Hoa khá đông. Những ngày tết, cộng đồng người Việt ở nước ngoài thường bày biện mâm cỗ tươm tất, cúng ông bà tổ tiên, thắp hương cảm tạ trời đất và tụ họp bạn bè để ăn bữa cơm chung, đi chùa cầu phước, chúc tết, lì xì...

Đón Tết Nguyên đán ở Singapore dù vui nhưng những người xa xứ như ông Đăng cũng nhớ quê, nhớ gia đình và nhớ không khí đón tết ở quê. Khi đã về TP.HCM sống, mỗi dịp tết đến xuân về, ông Đăng lại cùng gia đình duy trì những phong tục như gói bánh chưng, trang trí nhà cửa, chúc tết, lì xì…

Ông Đăng là một trong 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương" năm 2024 tại TP.HCM ngày 1 - 2.2 vừa qua. Nhiều kiều bào không giấu được xúc động khi tham gia các hoạt động đón tết ở quê hương. Đến thăm Đền tưởng niệm các vua Hùng trong công viên Lịch sử văn hóa dân tộc ở TP.Thủ Đức, bà Phạm Mỹ Dung, Chủ tịch Hiệp hội Quảng bá và phát triển văn hóa tân di dân H.Tân Trúc (Đài Loan), cẩn thận dùng điện thoại ghi lại hình ảnh những viên đá được mang về từ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

"Chúng tôi là người xa xứ, là người con VN. Việc ghi lại hình ảnh là cơ hội để truyền lại cho con cháu mình ở nước ngoài rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của VN. Đó cũng là tư liệu quý báu để chúng tôi quảng bá về văn hóa và tiếng Việt", bà Dung nói và cho biết trong thâm tâm bà dù ở nước ngoài nhưng lúc nào cũng nhớ quê hương. Bà Dung chia sẻ dù bận việc thế nào cũng sẽ dành thời gian để về sum họp với gia đình dịp tết. Người phụ nữ này tâm niệm sẽ cố gắng truyền tải cho con cháu về đất nước, chủ quyền biển đảo, ngôn ngữ, văn hóa... của dân tộc mình.

YÊU NHỮNG GÓC CŨ THÂN THƯƠNG

10 năm trước, chị Lê Thị Ngọc Giao (35 tuổi, kiều bào Phần Lan) rời quê hương để tìm cơ hội phát triển bản thân. Đến nay, chị Giao là giám đốc chiến lược một tập đoàn chuyên về điện toán đám mây và cũng là đồng sáng lập Hội Chuyên gia, trí thức Việt tại Phần Lan. Tham gia thả cá chép xuống sông Sài Gòn trong ngày ông Công, ông Táo hôm 2.2 cũng là lần đầu tiên sau 10 năm chị mới về VN ăn tết. "Tôi xúc động và vinh dự khi tham gia sự kiện cùng các kiều bào khác, những người xa quê hương nhiều năm, nhưng trong lòng vẫn hướng về quê hương", chị Giao nói.

Một điều đặc biệt khác trong chuyến về nước đón tết lần này của chị Giao là có thêm 2 con nhỏ cùng về. Người mẹ trẻ dự định dẫn 2 bé đi chơi, tham quan những địa điểm gắn với nhiều kỷ niệm của mình trước khi ra nước ngoài. Như sau khi tham quan trụ sở HĐND và UBND TP.HCM là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, chị Giao cho hay sẽ về kể cho các bé nghe về lịch sử tòa nhà, một địa điểm có ý nghĩa trong sự hình thành của thành phố.

Theo chị Giao, TP.HCM có sự đổi thay đáng kể trong 10 năm qua. Khu trung tâm trông hiện đại như những nước phát triển, còn các khu đô thị ngoại thành cũng được đầu tư bài bản, đầy đủ tiện ích phục vụ cư dân. Hai đứa con của chị Giao khi thăm đường sách, chợ truyền thống, nhà sách lớn đều thể hiện sự thích thú. "TP.HCM vẫn giữ được những góc cũ ngày xưa và đầu tư thêm những điểm mới phù hợp với sự phát triển", chị Giao chia sẻ.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Dương Phương, chuyên gia phẫu thuật tạo hình nhi khoa, đồng giám đốc Chương trình Sứt môi và hở vòm miệng, Bệnh viện Nhi Colorado (Mỹ), cũng cảm nhận đất nước, thành phố ngày càng đổi mới. Ông Dương là người sáng lập dự án từ thiện Nuoy Reconstructive, đã phối hợp với các bệnh viện tại VN khám và phẫu thuật cho nhiều trẻ em mắc dị tật sọ mặt bẩm sinh.

Sau 20 năm xa xứ, ông Phương có dịp trải nghiệm chạy thử tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Nhìn quang cảnh TP.HCM qua ô cửa kính, ông có nhiều cảm xúc, vừa mừng vui, vừa có chút hồi hộp, tự hào. "Thành phố giờ đây như mang một diện mạo hoàn toàn khác so với ngày tôi ra đi, đầy sức sống, sôi động hơn trước. Tôi cũng mong rằng TP.HCM sẽ tiếp tục có thêm các tuyến metro khác để giảm bớt áp lực giao thông", ông Phương nói.

Chia sẻ thêm về dự định tương lai, ông Phương tâm niệm sẽ cố gắng làm hết sức cho những dự án hiện tại ở VN. Cùng với đó, ông sẽ dẫn 2 con gái nhỏ của mình về VN để con biết cội nguồn là người Việt.

Kiều bào là cầu nối hợp tác với thế giới

Từ nhiều năm qua, cộng đồng người VN ở nước ngoài luôn là cầu nối quan trọng để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa VN với các nước trên thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của TP.HCM nói riêng, đất nước VN nói chung trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. TP.HCM đã đón tiếp nhiều chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn hay hợp tác trực tiếp với các viện, trường đại học, khu công nghệ cao, bệnh viện. Mỗi năm, hàng chục ngàn người Việt trẻ từ các nền kinh tế phát triển về nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh bằng các dự án khởi nghiệp. Các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp người VN ở nước ngoài cùng hợp tác, trao đổi, đưa ra các giải pháp huy động, kết nối tiêu thụ các sản phẩm thương hiệu Việt, tích cực tham gia giới thiệu, phát triển các kênh phân phối hàng hóa của VN ở nước sở tại. TP.HCM luôn phấn đấu tạo môi trường pháp lý thuận lợi để cộng đồng doanh nhân người VN ở nước ngoài ngày càng gắn bó và có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Mình cảm thấy có trách nhiệm với đất nước

Những năm gần đây, TS Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân VN tại Úc, thường xuyên về TP.HCM đón tết, tham gia các buổi gặp gỡ của lãnh đạo TP.HCM với cộng đồng kiều bào. "Đón tết có cảm giác gì đó như đem mình về gần hơn với quê hương, gắn bó với quê hương hơn", TS Phúc cho hay. Ông nhắc lại Nghị quyết 36 năm 2004 của Bộ Chính trị, khẳng định người VN ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc VN, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước.

Nếu năm 2004, cộng đồng người VN ở nước ngoài có khoảng 2,7 triệu người thì đến nay tăng hơn gấp đôi, với gần 6 triệu người. TS Phúc chia sẻ bản thân sống ở nước ngoài gần 50 năm nhưng vẫn gắn bó với quê hương, đất nước thông qua các hoạt động kết nối đầu tư, thiện nguyện, ủng hộ quỹ vắc xin, hỗ trợ học sinh nghèo, người dân vùng lũ lụt. "Mình cảm thấy có trách nhiệm với đất nước", TS Phúc nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.