Mỗi lần nghe câu hát này là trong lòng tôi gợi lên hình ảnh quê hương miền Trung với những tình cảm khó nói. Trong 3 miền, miền Trung có gì đó thân yêu hơn, không phải vì đó là quê hương tôi mà còn bởi những nét đơn sơ trong nghèo khó với những phong cảnh đẹp yên ả, lòng người dân chân chất, hiền lành tạo trong tôi một nỗi nhớ khó quên.
Ngày xưa, khi xe khách còn chạy ban ngày nhiều hơn ban đêm, tôi thường ngồi bên cửa sổ xe trong những lần đi xuyên miền Trung, say sưa ngắm những phong cảnh dọc quốc lộ số 1, nhìn những con đường mòn chạy ven bờ tre, bóng dừa phủ lên những mái nhà tranh cạnh những cánh đồng lúa cằn cỗi. Có lần chợt thấy một căn nhà có chiếc sân với lu nước bên gốc cau, cạnh lu nước là một cái gáo dừa móc vào cái cọc, tôi đã quá tiếc rằng mình không mang theo máy ảnh để chụp cái hình ảnh mà vài năm nữa sẽ không bao giờ tìm thấy trên đất nước Việt Nam này.
Tuổi thơ tôi ở đó thấm đẫm những kỷ niệm êm đềm, từ những đêm trăng trong khu vườn um tùm cây lá, những trưa hè vác ná thun rình bắn chim trong vườn đến những ngày đông mưa dầm, nước lụt, lội ra sau vườn bắt cá.
Từ những ngày xa xưa người ta còn gánh don đi bán, don đựng trong cái vò đất, cô bán don gánh một đầu vò don, một đầu kia là chồng bánh tráng, vô tận những xóm làng bán cho người dân ăn sáng.
Về sau này, khi thị xã Quảng Ngãi phát triển, don thường bán vào buổi tối chung với chè ở các quán ven đường phố, lúc này món don lại được cải tiến thêm là don ăn với bánh tráng sống thay vì chỉ ăn với bánh tráng chín như trước đây, và vì don bán chung với chè nên đã xảy ra nhiều tình huống dở khóc, dở cười cho khách tỉnh khác ăn don lần đầu. Đó là câu chuyện của một sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Nghĩa Bình. (Thời gian này Quảng Ngãi và Bình Định nhập chung thành tỉnh Nghĩa Bình nên tại trường Cao đẳng Sư phạm có cả sinh viên người Bình Định). Anh này đi dạo phố buổi tối, thấy quán có cái bảng ghi là “Chè Don” nên tưởng là tên một loại chè mới, bèn vào quán gọi chủ quán cho một ly chè don, chủ quán hỏi ăn chè hay don chứ không có món chè don. Lại một anh khác vào quán và đã được bạn bè nhắc chè và don là hai món khác nhau nhưng không biết don là gì nên gọi chủ quán bảo cho tôi một ly don, chủ quán cười, bảo don người ta ăn bằng tô chứ không ai ăn bằng ly.
Những ngày đi học chỉ mong trời bão hay lụt để được nghỉ học mà miền Trung từ tháng 9 trở đi hầu như bão tới liên tục, cha mẹ thì lo lắng còn mình thì thích thú đi lội nước, đi bắt cá cả ngày cho đến khi ướt sũng quần áo mới thôi.
Cuối đông, vào đầu tháng chạp là tục đi dẫy mả ông bà, lúc bấy giờ những cơn mưa dai dẳng đã hết, nhường chỗ cho nắng vàng lên và những sáng sương mù se se lạnh. Đây là giai đoạn thời tiết đẹp nhất của miền Trung - hai mùa mưa nắng, cho nên những năm đầu tiên đi học sư phạm ở Pleiku bắt gặp nắng vàng và sương mù tôi nhớ quê vô cùng. Tôi yêu mùa xuân nhưng chỉ yêu những ngày lập xuân bởi thời gian này không khí ở quê nhà thật rộn ràng chuẩn bị tết, từ đầu tháng chạp mẹ tôi đã đi chợ lựa mua những nhánh gừng đẹp về làm mứt, rồi sang mười lăm tháng chạp cả xóm rộn rã tiếng thì thụp của vồ nện bánh nổ, một loại bánh chỉ Quảng Ngãi mới có, loại bánh mà khi làm không thể thiếu bàn tay đàn ông nện vồ vì phụ nữ yếu đuối không thể cầm nổi cái vồ to và nện không được mạnh, bánh nổ phải nện càng mạnh thì bánh mới chắc, đẹp. Tôi nhớ có lần chị tôi mang loại bánh này cho bạn chị ở Sài Gòn ăn thử, chị bạn mới thấy tưởng miếng xốp, tương tự như vậy những người dân tỉnh khác khi ăn món mạch nha của Quảng Ngãi họ cũng không tin là không có đường trong đó.
Và cứ thế, suốt tháng chạp quê tôi rộn rã chuẩn bị đón tết. Tôi đã có lần thử đếm tất cả các loại bánh mứt mẹ tôi làm đến hai mươi bốn loại, tất cả mẹ tự làm hết, bánh mứt nào làm xong mẹ đều quạt một lò than, quây cái tấm cót lại và để cái nia lên trên sấy cho bánh, mứt khô cứng. Qua tết mẹ bỏ các bánh mứt còn dư vào các hộp thiếc gác lên xà nhà để dành đến tận tháng 3 mang xuống cúng giỗ, bánh vẫn còn nguyên chất lượng như cũ.
Hình bóng quê hương miền Trung và những kỷ niệm tuổi thơ sẽ không bao giờ rời khỏi tâm tưởng tôi.
|
Bình luận (0)