Cứ mươi phút, anh ấy lại up một bài lên Facebook của mình, lúc thì phản ảnh không khí rộn ràng khi "sắc quê" sắp khai cuộc, khi thì giới thiệu một món ăn "ruột" của người Quảng Ngãi như bánh xèo hoặc don - những món ăn "không đụng hàng" với ẩm thực cả nước. Có những bài, anh thông báo luôn là đã "vỡ trận", tức là một món ăn nào đó đã "đứt hàng" do khách là người Quảng Ngãi đến ăn quá đông.
Những người đồng hương Quảng Ngãi đang định cư tại TP.HCM, chưa đến được địa chỉ Đông Hồ Garden 195-197 Cao Thắng nối dài, P.12. Q.10 - nơi tổ chức "sắc quê", vừa cảm thấy sốt ruột lại vừa như được an ủi phần nào khi có cảm giác quê nhà như gần lại; những bờ tre, bãi mía, ruộng dâu như hiển hiện ngay trước mắt mình.
Khá khen cho các nhà tổ chức vì họ đã tạo được một "không khí" háo hức đón xuân của những người Quảng Ngãi xa quê ngay giữa lòng một đô thị sầm uất bậc nhất đất nước. Nếu tổ chức không bài bản, không khơi dậy được những tấm lòng đau đáu với quê hương, chắc chắn "sắc quê" sẽ chìm trong cảnh huyên náo của Sài Gòn, chả mấy ai để ý tới chứ đừng nói đến "cháy hàng" trước một món ăn dân dã nào đó.
Người Quảng Ngãi đến với "sắc quê" không phải chỉ để thưởng thức những món ăn dân dã được các "nghệ nhân nấu ăn" bậc thầy mang cả nguyên liệu và con người vượt cả ngàn cây số vô "nhóm bếp giữa Sài Gòn" mà họ đến với "sắc quê" là để được gặp lại quê nhà. Người thì gặp lại tô don nóng hôi hổi vừa thổi vừa ăn, luôn hít hà với trái ớt xiêm cay xè đầu lưỡi; kẻ thì gặp món bánh xèo thơm nức mũi những ngày mưa lũ thối đất trắng trời ở quê năm nào. Lại có người tới với "sắc quê" để ăn một tô… bún mắm, để nhớ lại những buổi chiều mà trong túi chỉ còn dăm ngàn bạc lẻ không đủ mua bất cứ một "món" ăn nào ngoại trừ bún mắm! "Sắc quê" cũng tranh thủ giới thiệu hàng chục món ăn đặc sản khác của quê nhà mà những đồng hương ít có dịp về quê nên chưa tận mắt chứng kiến.
Nếu ẩm thực như một "danh mục" luôn gợi nhớ đến một thuở khó nghèo, lam lũ lúc ở quê thì những hình ảnh trực quan như bờ xe nước sông Trà được chính nghệ nhân từng làm bờ xe nước "khuân" vào biểu diễn tại chỗ lại gợi cảnh nhớ quê ở một không gian hoài niệm khác. Đó là không gian mà ký ức của một lớp người lớn tuổi xa quê luôn lưu giữ dù bờ xe nước - biểu tượng về sự bền lòng của người Quảng Ngãi, vĩnh viễn đi vào quá khứ.
Những đồng hương Quảng Ngãi tại TP.HCM còn gặp lại những ngôi làng trong ký ức mờ xa khi chứng kiến cảnh chợ quê được dựng lại y chang như thuở nào. Cảnh mua bán, trả treo với những món hàng dân dã, "đặc sệt nhà quê" cũng được tái hiện trong dịp "sắc quê" lần này.
Hàng trăm bức ảnh của những nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Ngãi đã cất công săn tìm bao nhiêu năm qua, nay mới có dịp "trình làng" với bà con đồng hương ngay trong "sắc quê" lần này.
Một chương trình ca nhạc đặc sắc quy tụ những nhạc sĩ đồng hương tài danh, những ca sĩ "xịn xò" từng lưu tên mình trong bộ nhớ của người Sài Gòn nhiều năm qua cũng có mặt để làm cho "sắc quê" thêm phần xôm tụ.
Chưa bao giờ mà những người đồng hương Quảng Ngãi tại Sài Gòn cảm thấy quê nhà như gần lại đến thế!
Bình luận (0)