|
Nhiều tháng qua, khu chùa Hoa Am nằm giữa cánh đồng làng Hà Dương, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo luôn rộn vang tiếng kèn của 36 thành viên đội kim nhạc họ Dương, một dòng tộc tại địa phương. Tại đây, những bản nhạc như Hành khúc ngày và đêm, Làng tôi, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng... được tấu lên hàng ngày bởi những phụ nữ nông dân da đen sạm, chân tay nứt nẻ.
Những phụ nữ này học thổi kèn dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Khổng Minh Hạ, vốn là một người thổi kèn có nghề trong vùng.
“Lớp trưởng”, chị Nguyễn Thị Thiếm (39 tuổi) cho biết: “Đầu tiên chúng em phải học lý thuyết âm nhạc, phần này khó nhớ lắm nên chị em đi đâu cũng mang theo tờ giấy viết nhạc để học cho thuộc”. Ngoài ra, còn phải tập luyện sao cho trường hơi. Chị Thiếm bật mí cách lấy hơi: phải mím miệng giống như nhả vỏ trấu khi cắn chắt. Vật bất ly thân của chị em là chiếc khăn dùng để lau khô kèn sau khi thổi.
Các học viên phải tập luyện hơn 50 bài hát phổ biến, trong đó có khoảng 20 bài “tủ” trong 3 tháng nên mọi người không bỏ một buổi học nào dù bận việc đồng áng. Ban ngày học cùng thầy giáo chưa đủ, cả lớp còn bảo nhau tự ôn luyện vào buổi tối. Ngoài cửa hàng tạp hóa, nhà chị Thiếm còn cấy hơn 1 mẫu ruộng, nuôi hơn 50 con gà lợn. Chồng đi làm thợ xây nên chị phải đảm đương hết mọi việc nhà cửa, đồng áng, chăm sóc 3 đứa con và mẹ chồng bị ốm liệt giường nhưng “đi học kèn nhưng không chểnh mảng việc nhà nên chồng tớ rất ủng hộ”.
Chị em trong lớp học này đa số 28 - 35 tuổi, có người hơn 40 tuổi như chị Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thị Vịn. Họ chia sẻ: “Chị em chúng tớ có biết nhạc nhẽo là gì đâu, giờ có tí âm nhạc thấy trẻ ra mấy tuổi ấy chứ. Mà có đi thổi kèn thì chúng tớ mới được đi đó đây, lại có thêm ít thu nhập”.
Đây là nhóm kèn thứ 2 của đội kim nhạc họ Dương do ông Dương Văn Thành điều hành.
Ông Thành cho biết: Ý tưởng luyện cho người họ Dương thổi kèn đồng có từ năm 2009, do nam giới đã rời quê đi làm ăn nên ông đã tập hợp phụ nữ để lập ra các đội kèn và tổ chức cho họ đi thổi tại các hội hè, các buổi lễ, mỗi chuyến như thế, một người được khoảng 80.000 - 100.000 đồng.
Hiện hai đội của ông Thành trang bị 68 chiếc kèn đồng đủ loại như saxophone; trombone... trị giá gần 400 triệu đồng, trong đó có 4 chiếc nhập từ Hồng Kông với đơn giá 32 triệu đồng. Số tiền này được ban liên lạc họ Dương toàn quốc tài trợ. Ông Thành cho biết: Dàn kèn của đội kèn họ Dương hiện tốt và đầy đủ nhất huyện.
Cũng theo ông Thành, đội kèn có cả đồng phục, trong năm nay 2014, sẽ mở khóa đào tạo ra đội kèn đồng thứ 3. Trong những ngày cận tết vừa qua, đội kèn đồng họ Dương đã đi biểu diễn tại một số địa phương. Ngày 7.2 tới, họ sẽ diễn tại Bắc Ninh trong 3 ngày, tại một chương trình đón xuân do dòng họ Dương tổ chức.
Ngoài hai đội kèn đồng nữ của họ Dương, ở Cộng Hiền còn có 4 đội kèn nữ khác, từng đi biểu diễn nhiều nơi, ra cả tỉnh ngoài như Nam Định, Ninh Bình...
Theo nguồn tin của chúng tôi, ngoài các đội kèn kể trên, ở Vĩnh Bảo còn có những đội kèn nữ khác đang manh nha tập luyện để chờ ngày ra mắt chính thức.
Vũ Ngọc Khánh
>> Làng nghề Hải Phòng thiếu thương hiệu
>> Tuyết rơi tại Hải Phòng
Bình luận (0)