'Quốc ca là hình ảnh quốc gia, không thể sử dụng một bản ghi âm cẩu thả được'

08/12/2021 11:48 GMT+7

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho rằng: “Câu chuyện Quốc ca lẽ ra không có gì phải bàn cãi. Vì quốc ca liên quan cả đến những lễ nghi cấp quốc gia, mà bất cứ một quốc gia nào đều phải chuẩn bị thật chu đáo và chỉnh tề”.

Theo nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, điều này cũng giống như bàn thờ tổ tiên trong nhà: phải nhang đèn, bộ lư hương…; những vật dụng đó chủ nhà phải tự sắm sửa, có khi đắt tiền cũng phải mua. Quốc ca là hình ảnh quốc gia, không thể cẩu thả được.

“Các bạn hãy thử nghe Quốc ca của một số nước châu Âu đi! Là do dàn nhạc giao hưởng quốc gia, hoàng gia chơi và thu âm một cách cẩn thận, kỹ lưỡng! Chứ đâu phải đi vơ đại một bản thu âm nghiệp dư như ta đi phát trong các hội thao quốc tế, để rồi bị gậy bản quyền”, anh nói.

Quốc ca khi phát trên trường quốc tế phải là bản được Nhà nước đầu tư và dàn nhạc giao hưởng quốc gia biểu diễn

T.L

Bản ghi âm chuyên nghiệp bài Quốc ca, theo Võ Thiện Thanh, do dàn nhạc giao huởng quốc gia chơi, phải được Nhà nước đầu tư bài bản, Bộ VH-TT-DL cầm trịch, với bản phối hoàn hảo, tổng hòa phong cách âm nhạc kinh điển và thể loại hành khúc, dàn đại hợp xướng. “Có như vậy, khi Quốc ca vang lên trên đấu trường quốc tế, hay những lễ nghi ngoại giao, mới toát ra vẻ đẹp của một nền tảng văn hóa, sự hào hùng và tráng lệ của bao nhiêu tâm hồn người Việt gởi vào đó”, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nêu ý kiến và cho rằng, bản thu âm ấy như là "bộ lư hương" bằng vàng trên bàn thờ tổ tiên dân tộc, để bao thế hệ còn mãi tiếp nối gìn giữ hồn nước.

Không chỉ Võ Thiện Thanh mà nhiều nhạc sĩ khác cũng cho rằng, việc phát những bản ghi âm Quốc ca của những nhà sản xuất tư nhân, không những bị gõ gậy bản quyền, mà còn làm suy yếu đi hình ảnh và thể diện của cả một dân tộc! “Vì đó là những bản ghi âm không chuyên nghiệp so với tầm cỡ một quốc gia. Một vấn đề trọng đại như thế, Nhà nước không làm mà lại để tư nhân thao túng?”, anh bày tỏ.

Một số nhạc sĩ cũng cho biết sẵn sàng sản xuất bản hòa âm mới cho Quốc ca và cho phép người dân sử dụng miễn phí, nhưng đó chỉ là phiên bản trong các sự kiện, hoạt động thuộc phạm vi trong nước. Còn Quốc ca khi phát trên trường quốc tế phải là bản do Nhà nước đầu tư, được biểu diễn bởi dàn nhạc quốc gia, mới xứng tầm.

Người hâm mộ bóng đá và người Việt Nam nói chung lần đầu tiên không nghe được Quốc ca Việt Nam vì lý do bản quyền

t.l

Tối 6.12, trong trận đấu với Lào khuôn khổ AFF Cup, Quốc ca Việt Nam lần đầu tiên bị tắt tiếng – lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam khán giả không được nghe Quốc ca trong khoảnh khắc trang trọng, thiêng liêng nhất của trận đấu, với nguyên nhân được thể hiện trên màn ảnh (khi xem qua YouTube): “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị thông cảm”, ngày 7.12, Bộ VH-TT-DL đã có một cuộc họp kỹ thuật để bàn về các vấn đề liên quan đến Quốc ca. Theo đó, ngày 8.12, Bộ VH-TT-DL sẽ có thông tin về các bản ghi âm Tiến quân ca (Quốc ca) mà các đơn vị nghệ thuật trong Bộ đã thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.