‘Nhà có điều kiện’ sao lại dùng bản ghi Quốc ca nước ngoài?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
07/12/2021 12:36 GMT+7

Trong khi quản lý nhiều nhà hát, sao lại sử dụng bản ghi âm Quốc ca của một nhà sản xuất nước ngoài trong trận có tuyển Việt Nam thi đấu.

Người hâm mộ xôn xao khi không được nghe quốc ca của cả Việt Nam và Lào trong trận đấu giữa hai đội trong khuôn khổ AFF Suzuki cup nếu xem trận này trên YouTube.

Một thông báo hiện trên kênh YouTube của Next Sports (Next Media) khi tường thuật trận đấu như sau: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị thông cảm”. Tuy nhiên, tại bản tường thuật trên truyền hình, phần âm thanh này vẫn xuất hiện bình thường.

BH Media, một đối tác của YouTube, cho rằng đã không hề có chuyện “đánh gậy bản quyền nào” xảy ra. BH Media cũng cho rằng, việc tắt tiếng Quốc ca trong trận đấu Việt Nam - Lào là “do đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng phần Tiến quân ca để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh YouTube của FPT mà thôi”.

Theo thông tin từ BH Media, trước đó tại trận đấu Việt Nam - Ả Rập Xê Út ngày 16.11 tại Việt Nam, kênh YouTube của FPT (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu này) đã thiệt hại kinh tế khi bản ghi Tiến quân ca lại do hãng đĩa nước ngoài là Marco Polo sản xuất. Do ban tổ chức sử dụng bản ghi mà này không xin phép, các kênh YouTube ở Việt Nam tiếp sóng bị mất doanh thu.

Nghe và hát Quốc ca mang lại cảm xúc cho cả cầu thủ lẫn người xem

ảnh chụp màn hình

Luật sư Phan Vũ Tuấn, Công ty Luật Phan Law, cho rằng khi chưa biết bản ghi Quốc ca được sử dụng trong trận đấu là của ai, bản quyền ra sao, thì việc tắt tiếng Quốc ca là việc làm khôn ngoan của Next Media.

Vấn đề là tại sao trên sân Việt Nam, khi có đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu, chúng ta lại không sử dụng một bản ghi âm Quốc ca có bản quyền của chính mình. Trong khi, Bộ VH-TT-DL không chỉ quản lý Tổng cục Thể dục - Thể thao mà còn quản lý cả các nhà hát. Có nghĩa là để có một bản thu âm Quốc ca, Bộ VH-TT-DL thuộc diện "nhà có điều kiện".

Ông Nguyễn Minh Đức, cán bộ pháp chế của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện đang theo học tại Mỹ, nêu quan điểm: “Chặn tiếng Quốc ca là đúng luật, nhưng nó cho thấy sự tắc trách của Bộ VH-TT-DL. Bài hát Quốc ca thì đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao từ bỏ quyền tài sản, và công chúng có quyền sử dụng thoải mái mà không phải xin phép hay trả tiền. Nhưng người biểu diễn và nhà sản xuất vẫn có quyền liên quan. Pháp luật vẫn phải bảo vệ các quyền này, trong đó có biện pháp chặn tiếng khi bản ghi âm được sử dụng trái phép”.

Ông Đức cũng cho rằng: “Đáng lý ra, Bộ VH-TT-DL nên yêu cầu một đơn vị nghệ thuật nào đó biểu diễn Quốc ca, rồi ghi âm và đăng tải trên mạng, cùng với thông báo nêu rõ: Bất kỳ ai cũng có thể dùng bản thu âm này mà không cần xin phép, không cần trả tiền”.

Cũng theo ông Đức: “Có lẽ Bộ VH-TT-DL nên làm nhiều bản ghi. Một bản đồng ca, một bản đơn ca, một bản không lời hoà tấu, không lời dương cầm, không lời đàn bầu... Rồi cả bản dung lượng cao, dung lượng thấp cho mọi người tiện sử dụng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.