Chủ tịch HĐQT –Tổng giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCGL) bà Nguyễn Thị Như Loan khẳng định hiện Công ty đang làm đơn khiếu nại đến Sở Tài nguyên và Môi trường và một số đơn vị báo đài vì thông tin trong văn bản cũng như thông tin trên báo chí được trích dẫn lại có nhiều điểm sai lệch.
* Cơ quan quản lý vừa công bố danh sách 77 dự án có thế chấp ngân hàng trong đó có 2 dự án của Quốc Cường Gia Lai. Xin bà có thể cho biết rõ hơn chi tiết vấn đề này?
- Tôi khẳng định thông tin mà Văn phòng đăng kí Sở Tài nguyên Môi trường công bố có nhiều điểm chưa rõ. Cụ thể, theo danh sách, QCGL được cho là có 2 dự án đang thế chấp ngân hàng (mục 71 chung cư 4A lô số 4 – Khu đô thị mới 6B – Khu đô thị Nam Thành phố và mục 75 Khu dân cư 6B). Bản thân tôi rất bức xúc với danh sách có QCGL chưa chính xác này. Tôi đang gửi đơn khiếu nại được ký ngay trong ngày 26/7/2016 đến Ban thời sự VTV1 – đơn vị đã đưa tin cụ thể và có những nhận xét chưa chuẩn xác, chưa kiểm chứng theo dòng sự kiện về QCGL và cả Phòng đăng ký Sở Tài nguyên và Môi trường để khiếu nại đã đưa thông tin sai lệch làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của QCGL chúng tôi.
* Vậy cụ thể việc thế chấp dự án của QCGL là như thế nào, thưa bà?
- Bản thân tôi khẳng định và chịu trách nhiệm việc trả lời này: Đến thời điểm này QCGL hoàn toàn không thế chấp bất cứ dự án căn hộ nhà ở thương mại nào dù rất nhiều dự án đang xây dựng, đang mở bán và cả dư án sắp giao nhà vv... Ngay cả dự án rất dễ thế chấp nhất là dự án số 24 Lê Thánh Tôn quận 1 chúng tôi vẫn không vay và đang giao nhà cho đối tác BIDV. Trên thực tế QCGL chỉ vay duy nhất 01 dự án nhà ở xã hội 6B, vì lãi suất ưu đãi 5% để cấu thành giá thành rẻ bán cho khách hàng thu nhập thấp.
Theo đó, không biết thông tin QCGL thế chấp tới 2 dự án là sao? Và cũng không biết căn cứ vào đâu mà trong Bản tin sáng của VTV1, cơ quan này đã nêu tên QCGL là 1 trong những co6nng ty thế chấp vay dự án nhiều nhất? Chúng tôi bất ngờ trước sự thiếu thận trọng khi đưa tin của Đài Truyền hình quốc gia.
Thêm 1 điều bức xúc nữa là nếu độc giả, khách hàng mua căn hộ, họ tin vào các thông tin đại chúng để khi mua căn hộ họ được an toàn, trước khi mua họ tìm hiểu thông tin và tin vào trang web Sở Tài nguyên và Môi trường, nơi đăng ký thế chấp giao dịch đảm bảo, thì thông qua tiếp nhận thông tin từ VTV 1 được cho là trích theo văn bản có danh sách 77 dự án nêu tên công khai đang thế chấp nhưng có thông tin chưa chuẩn xác (cụ thể là QCGL thế chấp chỉ 1 dự án nhà ở xã hội 1/77 dự án mà lại được đánh giá là thế chấp nhiều nhất như đã nêu), khách hàng sẽ biết tin vào đâu? Cách phản ánh thông tin như vậy có khách quan không và có đáng tin cậy không? Điều này chắc chắn đã gây hoang mang dư luận, tác động không tốt tới tâm lý khách hàng và ảnh hưởng trực tiếp đến QCGL.
* Ngoài những dự án này thì các dự án khác của QCG, ở TPHCM và Đà Nẵng có bị động nguồn vốn hay không? QCG đang triển khai các dự án này ra sao?
- Tôi khẳng định các dự án căn hộ thương mại tại TP HCM và các dự án đang bán tại Đà Nẵng chúng tôi đều không thế chấp. Chúng tôi có nhiều nguồn vốn và luôn liệu sức mình để triển khai. Ngay như dự án nhà ở xã hội 6B có thế chấp, đến thời điểm này dư nợ của dự án là 73 tỷ chưa đến 12% tổng mức đầu tư của dự án nhưng chúng tôi cũng đã thi công xong và đang giao nhà cho khách hàng .
* Theo bà khách hàng mua nhà ngoài việc chú ý đến các dự án mà chủ đầu tư có thế chấp hay không, còn nên quan tâm những yếu tố gì? QCG đã và đang làm gì để phát triển các dự án này nhằm thu hút và cung cấp đúng, trúng nhu cầu người mua trên thị trường?
- Tôi cho rằng các kênh thông tin nên phản ánh đa chiều, khách quan và nêu rõ cho khách hàng hiểu thêm rằng:
Thứ nhất, không phải dự án nào thế chấp là không được bán và sẽ bị ngân hàng siết nợ như các trường hợp đã xảy ra. Tôi được hiểu có rất nhiều dự án vẫn đang thế chấp vẫn đang bán và vẫn giao nhà cho khách hàng không hề có rủi ro, ngoại trừ 1 phần nhỏ các ngân hàng khi xét duyệt cho chủ đầu tư vay ngân hàng không cẩn thận trong quá trình thẩm định giá trị tài sản dự án và không bám sát để giải ngân theo tiến độ thi công và cũng như không đăng ký giao dich đảm bảo hồ sơ pháp lý chặt chẽ mới dẫn đến tình trạng rủi ro cho khách hàng. Cụ thể là để ngân hàng siết nợ như các trường hợp đã xảy ra. Thực tế nhiều nguồn thông tin công bố các dự án đang thế chấp là không được bán là hoàn toàn không đúng.
Thứ hai, hiện nay với sự lãnh đạo sát sao, các thông tin các dự án đang bán và đang thế chấp được đăng tải lên thông tin đại chúng và nhất là trang web của Sở Tài nguyên và Môi trường là điều đáng mừng, rất minh bạch giúp ích rất nhiều cho người mua để khách hàng kiểm tra đúng nhất, và được yên tâm khi mua sản phẩm.
Thứ ba, ngoài các yếu tố dự án thế chấp ngân hàng, chủ đầu tư phải cùng ngân hàng phân bổ dòng tiền xây dựng dự án được hoàn thành bảo đảm kịp tiến độ không bị thiếu tài chính dẫn đến chậm tiến độ thi công. Chủ đầu tư còn phải quan tâm đến chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, giá thành sản phẩm, vị trí sản phẩm vv.. thì mới thu hút được khách hàng. Ví dụ: Hiện nay riêng trong phân khúc thị trường nhà ở xã hội thì dự án 6B của QCGL là dự án vị trí đắc địa, gần trung tâm, với giá thành phù hợp nhất cho nhà thu nhập thấp.
* Xin cảm ơn bà!
Bình luận (0)