Sáng 30.11, với 461/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XV thông qua dự án luật Tư pháp người chưa thành niên.
Luật này có hiệu lực từ 1.1.2026, với nhiều quy định riêng biệt về hoạt động tư pháp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
3 mô hình giam giữ người dưới 18 tuổi phạm tội
Quá trình xây dựng luật, một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận là nên quy định nơi giam giữ với người dưới 18 tuổi phạm tội ra sao, cần có trại giam riêng hay không.
Quốc hội cuối cùng đã thống nhất quy định: người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại trại giam, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên là phạm nhân.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để giải quyết vấn đề nêu trên, cơ quan này đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ có ý kiến đối với quy định về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam.
Văn bản của Chính phủ và Bộ Công an đều đề nghị không quy định trại giam riêng mà chỉ quy định phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người dưới 18 tuổi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hiện nay số lượng người dưới 18 tuổi chấp hành án tại các trại giam không lớn, nhưng được bố trí ở nhiều trại giam trên cả nước.
Đáng lưu ý có những trại giam chỉ có khoảng hơn 20 phạm nhân là người dưới 18 tuổi, nên rất khó khăn cho việc bố trí dạy văn hóa, dạy nghề, cũng như khó đáp ứng được các yêu cầu riêng đặt ra.
Vì thế, với mục đích vừa đáp ứng yêu cầu phải có khu vực chấp hành án dành riêng, vừa có nhiều mô hình để lựa chọn, vừa có thể kế thừa cơ sở vật chất hiện có, luật đã quy định 3 mô hình về nơi giam giữ đối với người dưới 18 tuổi.
Ủy ban Thường vụ cho biết, việc lựa chọn mô hình nào thì luật đã giao cho Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định, căn cứ vào điều kiện thực tế.
Cũng có ý kiến đề nghị xem xét quy định ưu tiên cho người dưới 18 tuổi phạm tội được chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ gần gia đình, địa phương nơi cư trú.
Việc bố trí sẽ phụ thuộc vào thực tế, số lượng trại giam riêng hoặc phân trại, khu giam giữ riêng trong trại giam. Cùng đó là một số điều kiện khác, trong đó có tính toán đến điều kiện quê quán, nơi cư trú của phạm nhân để thuận lợi cho hoạt động thăm gặp thân nhân.
12 biện pháp xử lý chuyển hướng
Một nội dung rất quan trọng được quy định tại luật Tư pháp người chưa thành niên, là xử lý chuyển hướng. Đây được coi là chính sách đặc biệt thể hiện sự nhân văn của Nhà nước trong xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Theo đó, xử lý chuyển hướng được hiểu là thủ tục thay thế thủ tục tố tụng hình sự để xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội bằng các biện pháp giáo dục, phòng ngừa mang tính xã hội.
Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng gồm: khiển trách, xin lỗi bị hại, bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.
Cùng với đó là cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; hạn chế khung giờ đi lại; cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới.
3 biện pháp còn lại là giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình; giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Vẫn theo quy định tại luật, có 3 nhóm đối tượng được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Thứ nhất, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng theo quy định của bộ luật Hình sự (trừ các tội danh về giết người, hiếp dâm, sản xuất trái phép chất ma túy…).
Thứ hai, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội ít nghiêm trọng theo quy định của bộ luật Hình sự (trừ các tội danh về hiếp dâm, ma túy…).
Thứ ba, người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
Bình luận (0)