Quốc hội 'chốt' chỉ được công chứng bất động sản trong địa hạt cấp tỉnh

27/11/2024 06:47 GMT+7

Công chứng viên chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở.

Quốc hội vừa thông qua dự án luật Công chứng năm 2024. Luật này có hiệu lực kể từ 1.7.2025, với nhiều quy định mới về tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên.

Chỉ được công chứng bất động sản trong phạm vi tỉnh

Điều 44 của luật nêu rõ: công chứng viên chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở; trừ một số trường hợp theo quy định.

Quốc hội 'chốt' chỉ được công chứng bất động sản trong địa hạt cấp tỉnh- Ảnh 1.

Theo quy định tại luật Công chứng năm 2024, công chứng viên chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong địa hạt cấp tỉnh

ẢNH: TUYẾN PHAN

Quá trình xây dựng luật, có ý kiến đề nghị không quy định công chứng giao dịch về bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh. Bởi lẽ, khi thông tin đã đầy đủ, công chứng viên thực hiện công chứng và chịu trách nhiệm về việc công chứng của mình.

Ngược lại, nếu không có đủ thông tin, dù có quy định công chứng giao dịch bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh hay không thì công chứng viên vẫn có quyền từ chối công chứng.

Giải trình về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Việt Nam đang theo mô hình công chứng Latinh, tức là công chứng nội dung. Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp của giao dịch, bao gồm cả đối tượng của giao dịch.

Đối với giao dịch bất động sản, ngoài việc kiểm tra các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng về bất động sản, trong trường hợp cần thiết công chứng viên cần tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế tại nơi có bất động sản để bảo đảm an toàn pháp lý cho giao dịch.

Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu công chứng áp dụng chung toàn quốc hiện nay chưa có, một số địa phương chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng, những địa phương đã xây dựng thì phần lớn thông tin cũng chưa đầy đủ, rất ít dữ liệu về việc chứng thực hợp đồng và giao dịch.

Với bối cảnh như trên thì quy định công chứng bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh sẽ hạn chế tối đa rủi ro về việc công chứng, chứng thực nhiều lần đối với một bất động sản tại một thời điểm.

Đồng thời, bảo đảm thực hiện thống nhất, tránh áp dụng tùy nghi phụ thuộc vào ý chí của từng công chứng viên, có thể gây ra sơ hở, lạm dụng.

Quốc hội 'chốt' chỉ được công chứng bất động sản trong địa hạt cấp tỉnh- Ảnh 2.

Các đại biểu tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV

ẢNH: GIA HÂN

Cho phép lập văn phòng công chứng 1 công chứng viên

Theo quy định hiện hành, văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình duy nhất là công ty hợp danh (phải có từ 2 công chứng viên hợp danh trở lên).

Từ 1.7.2025, luật mới cho phép văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân (chỉ cần 1 công chứng viên).

Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập văn phòng công chứng hợp danh.

Để đảm bảo thực hiện chặt chẽ và tránh tùy tiện, luật Công chứng năm 2024 giao Chính phủ quy định danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định việc cho phép lập văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân, bên cạnh mô hình công ty hợp danh như bấy lâu nay, sẽ mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng.

Quy định mới cũng tạo thuận lợi cho việc phát triển văn phòng công chứng ở địa bàn còn khó khăn, qua đó thúc đẩy xã hội hóa hoạt động công chứng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng, giao dịch của người dân, doanh nghiệp.

Bảo hiểm của công chứng viên là bắt buộc

Luật Công chứng năm 2024 tiếp tục quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc.

Trước đó, Chính phủ có văn bản đề nghị không quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc, chỉ nên quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng công chứng là dịch vụ công cơ bản. Công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc sẽ góp phần bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn xã hội cũng như bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cả các bên tham gia giao dịch và cho chính bản thân công chứng viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.