'Kiểm toán, luật sư đều bỏ, vì sao công chứng viên vẫn giữ bảo hiểm bắt buộc?'

15/11/2024 14:42 GMT+7

Chính phủ đề nghị không quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc, còn Thường trực Ủy ban Pháp luật thì đề nghị tiếp tục quy định như hiện hành.

Sáng 15.11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Theo dự thảo, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình.

Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.

'Kiểm toán, luật sư đều bỏ, vì sao công chứng viên vẫn giữ bảo hiểm bắt buộc?'- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

ẢNH: GIA HÂN

Nên bỏ hay giữ bảo hiểm bắt buộc với công chứng viên?

Ủy ban Pháp luật cho hay, Chính phủ mới đây có văn bản đề nghị không quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Thay vào đó chỉ nên quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm này cho công chứng viên của tổ chức mình.

Nhưng theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, công chứng là dịch vụ công cơ bản, công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc sẽ góp phần bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn xã hội, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của công chứng viên trong hành nghề công chứng. Quy định này cũng kế thừa luật Công chứng hiện hành và phù hợp với pháp luật công chứng của một số nước.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề cập tới bất cập được Chính phủ nêu về việc thời gian qua các công chứng viên hầu như không được bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Tuy nhiên, đây là bất cập trong tổ chức thực hiện luật, chứ không phải do quy định của luật, Chính phủ cần có giải pháp khắc phục, nhất là quy định về cơ chế, điều khoản, nguyên tắc bảo hiểm.

Hơn thế, chỉ khi quy định là bảo hiểm bắt buộc thì tổ chức kinh doanh bảo hiểm mới bắt buộc phải bán. Trường hợp không phải là bảo hiểm bắt buộc thì dù luật quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên nhưng nếu không có tổ chức kinh doanh bảo hiểm cung cấp loại hình bảo hiểm này thì công chứng viên cũng không được bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Từ những căn cứ trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc như dự thảo luật.

'Kiểm toán, luật sư đều bỏ, vì sao công chứng viên vẫn giữ bảo hiểm bắt buộc?'- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh

ẢNH: GIA HÂN

"So sánh với bác sĩ, luật sư, kiểm toán viên, chưa biết đối tượng nào rủi ro hơn"

Cho ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nói có 2 vấn đề cần làm rõ, một là nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, hai là là loại hình bảo hiểm.

Ông Ninh dẫn chứng trong 14 luật chuyên ngành, có 11 luật quy định bảo hiểm trách nhiệm theo dạng nghĩa vụ, nghĩa là tổ chức phải mua cho thành viên (cơ sở khám, chữa bệnh mua cho bác sĩ, tổ chức hành nghề luật sư mua cho luật sư…).

Với quy định trên, tổ chức có nghĩa vụ mua cho thành viên, nhưng dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa tổ chức mua và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, mua ít thì bảo hiểm ít, mua nhiều thì được bảo hiểm nhiều.

Trong khi đó, loại hình bảo hiểm bắt buộc như dự thảo đề xuất thì quy định rõ phải mua mức bao nhiêu, bồi thường bao nhiêu. "Hai cái là khác nhau", ông Ninh nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hiện nay các luật liên quan đến kiểm toán, luật sư, khám, chữa bệnh đã bỏ hết, tức là không quy định bảo hiểm bắt buộc mà chỉ quy định là nghĩa vụ mua bảo hiểm. 

Nếu luật Công chứng sửa đổi tiếp tục giữ loại hình bảo hiểm bắt buộc thì có nghĩa chỉ duy nhất công chứng viên thuộc quy định loại hình bảo hiểm bắt buộc nghề nghiệp. Nếu so sánh với bác sĩ, luật sư, kiểm toán viên, ông Ninh cho rằng "chưa biết đối tượng nào rủi ro hơn".

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, điều 8 luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định chỉ có 3 loại bảo hiểm bắt buộc, gồm: bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Ba loại hình bảo hiểm trên đáp ứng yêu cầu bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội. Trong khi đó, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp với tư cách là bảo hiểm rủi ro cho cá nhân công chứng viên.

"Sâu xa hơn thì cũng có ý là bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội, nhưng nếu so sánh với luật sư, bác sĩ hoặc kiểm toán thì cũng không phải không có khía cạnh ấy", ông Ninh nói và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thêm.

'Kiểm toán, luật sư đều bỏ, vì sao công chứng viên vẫn giữ bảo hiểm bắt buộc?'- Ảnh 3.

Có nên quy định mua bảo hiểm bắt buộc với công chứng viên đang là vấn đề nhận được ý kiến khác nhau

ẢNH: TUYẾN PHAN

"Phải căn cứ vào điều luật chứ không thể dựa vào nghề nghiệp"

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thanh Tùng cho rằng đối với nghề luật sư, dù có quy định về việc phải mua bảo hiểm nghề nghiệp, nhưng chưa bao giờ có quy định đây là bảo hiểm bắt buộc.

Theo ông Tùng, để đánh giá có nên quy định là bảo hiểm bắt buộc hay không phải căn cứ vào quy định tại điều 8 luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, chứ không thể căn cứ vào nghề nghiệp.

Điều luật trên quy định bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.

Đối với lĩnh vực công chức, đây là dịch vụ công cơ bản, mục đích nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch của nền kinh tế, dân sự, thông qua đó bảo đảm sự lành mạnh của môi trường đầu tư kinh doanh, gián tiếp bảo đảm an toàn cho xã hội. Những đặc điểm này phù hợp với tiêu chí của bảo hiểm bắt buộc.

Ông Tùng dẫn chứng thêm kinh nghiệm của một số quốc gia như Trung Quốc, Đức, Ba Lan, đều quy định về việc mua bảo hiểm cho công chứng viên. Tại Trung Quốc, việc mua bảo hiểm chủ yếu được thực hiện thông qua công ty bảo hiểm chuyên nghiệp, hợp đồng bảo hiểm áp dụng cho tất cả trường hợp công chứng viên vi phạm nghĩa vụ. "Các nước đều quy định như thế, chứ không phải gì cá biệt cả", ông Tùng nói.

Từ phân tích đã nêu, ông Tùng đề nghị giữ nguyên quy định như dự thảo, trường hợp cần thiết có thể thiết kế 2 phương án để xin ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.