(TNO) Với 88,26% đại biểu tán thành, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 với khoảng 240.000 tỉ đồng.
Atiso đỏ là loại cây dược liệu đang được coi là mũi nhọn xóa đói giảm nghèo tại Cát Bà - Ảnh: Lê Tân
|
Trong giai đoạn 2016-2020, các chương trình mục tiêu quốc gia gồm có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị. Chương trình cũng hướng tới xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh, trật tự được giữ vững…
Mục tiêu cụ thể được đặt ra với chương trình này là đến năm 2020, số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Chương trình giảm nghèo bền vững có mục tiêu thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của người nghèo giai đoạn 2016-2020.
Mục tiêu cụ thể của chương trình này là góp phần giảm tỉ lệ nghèo cả nước bình quân 1,0%-1,5%/năm. Riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Về kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 193.155,6 tỉ đồng. Trong đó ngân sách trung ương là 63.155,6 tỉ đồng, ngân sách địa phương: 130.000 tỉ đồng.
Với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 46.161 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương: 41.449 tỉ đồng, ngân sách địa phương: 4.712 tỉ đồng.
Bình luận (0)