Để chuẩn bị cho phiên giải trình của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thể thao thành tích cao vào tháng 3.2014, hôm qua 28.2, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị chuyên đề về thể thao VN.
|
Xem xét cách thức dự SEA Games
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT, đã kiến nghị Quốc hội và chính phủ cần phải điều chỉnh lại mục tiêu phát triển thể thao thành tích cao, đặc biệt xem xét lại cách thức tham gia SEA Games của VN, tránh lãng phí và bị động.
Ông Minh “kịch liệt phản đối” những biểu hiện trì trệ và xu hướng tiêu cực ngày càng tăng của thể thao khu vực. “Khoảng 10 năm trở lại, nước chủ nhà SEA Games luôn tìm mọi cách loại bỏ các môn, nội dung thế mạnh của đối phương, đưa vào các môn là sở trường của mình. Điều lệ Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á từ nhiều năm nay đã là kẽ hở cho tiêu cực phát triển. Lãnh đạo thể thao nhiều quốc gia đã chấp nhận cách thỏa thuận đổi chác đôi bên cùng có lợi bằng vận động hành lang. Đã đến lúc VN cần phải tính toán nên dự SEA Games ở mức độ nào”, ông Minh nói, đồng thời cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần có sự phản biện và giám sát chặt chẽ quá trình chuẩn bị của thể thao VN khi đăng cai ASIAD 18 năm 2019, tránh lãng phí, tiêu cực.
Ông Nguyễn Đình Lân, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, lại đặt câu hỏi: “Sân Mỹ Đình kể từ năm 2003 đến nay, hiệu quả sử dụng rất thấp. Vậy chúng ta cần phải trả lời được, sau khi đăng cai ASIAD 18, các công trình thể thao sẽ được dùng để làm gì?”. Ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết ủy ban sẽ có ý kiến để Chính phủ sớm duyệt đề án tổng thể tổ chức ASIAD 18.
Ngao ngán bóng đá nộiBà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, thốt lên cảm thán: “Tôi xem bóng đá nội mà thấy chán lắm”, khi kể về trận đấu V-League vừa xem trên ti vi. Bà nói: “Bóng đá VN bạo lực quá. Cầu thủ đá, đạp nhau. Thua mà đá đẹp thì còn tự hào chứ thắng mà đạo đức kém thì chẳng hay ho gì. Cần phải hội nhập văn hóa trong lĩnh vực bóng đá thì cầu thủ VN lại không có. Bóng đá nam tại SEA Games, tôi nói thật là thấy ì ạch lắm vì thiếu căn cơ, vừa không có chiến lược đào tạo HLV vừa thiếu cách “nuôi” quân chuyên nghiệp. Không chỉ bóng đá mà thể thao VN còn chạy theo chủ nghĩa thành tích. Có thể nhiều huy chương nhưng thiếu bền vững”. Bà Trần Thị Tâm Đan đề nghị nhà nước cần có chính sách đầu tư đến nơi đến chốn và phải có chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước về thể thao nhưng không nên can thiệp sâu vào chuyên môn.
Giảm dần sự bao cấp
Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, khẳng định tuy 6 năm nữa mới “khóa sổ” Chiến lược phát triển thể thao VN tầm nhìn đến năm 2020, nhưng ngay từ bây giờ ngành đã phải lên kế hoạch thiết lập lại lộ trình phát triển thể thao nước nhà trong tương lai. Sẽ phải giảm dần sự bao cấp của nhà nước, chuyển dần cho các liên đoàn, các CLB. Nhưng muốn xã hội hóa được hiệu quả, nhà nước cần có sự hỗ trợ về cơ chế để tạo lòng đam mê và cả lợi nhuận cho các doanh nghiệp, tư nhân muốn đầu tư cho thể thao.
Một số lãnh đạo các Sở VH-TT-DL hay trung tâm thể thao quốc gia cũng đã “kêu” lên Quốc hội về một loạt những khó khăn đang cản trở sự phát triển của thể thao VN, như hệ thống bộ máy ngành thể thao thiếu ổn định, chính sách phát triển còn nhiều bất cập. Các ý kiến đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thể dục thể thao, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt những quy định về chế độ đối với HLV, VĐV; đẩy mạnh xã hội hóa thể thao…
Lan Phương
>> Trưởng giải V-League và nỗi lo
>> Tân trưởng giải Tanaka Koji: V-League nên đi theo mô hình của J-League
>> Vòng 5 V-League 2014: Thanh Hóa vững ngôi đầu
>> V-League 2014 khởi đầu vắng vẻ
Bình luận (0)