Quốc hội sẽ họp tập trung để quyết công tác nhân sự từ ngày 22.5

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/05/2023 15:51 GMT+7

Kỳ họp 5 của Quốc hội sẽ khai mạc từ ngày 22.5, chia làm 2 đợt và sẽ họp tập trung cả 2 đợt để đảm bảo điều kiện tiến hành các phiên họp về nhân sự, biểu quyết các nội dung kỳ họp, theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.

Cuối giờ sáng nay 13.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp 5 dự kiến khai mạc ngày 22.5 tới.

Quốc hội sẽ họp tập trung để quyết công tác nhân sự từ 22.5 - Ảnh 1.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo chuẩn bị nội dung kỳ họp 5 khai mạc ngày 22.5 tới

GIA HÂN

Báo cáo việc chuẩn bị kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội do hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, đồng thời là để bảo đảm điều kiện tiến hành các phiên họp về nhân sự, việc biểu quyết các nội dung của kỳ họp.

Theo chương trình dự kiến, nội dung công tác nhân sự sẽ được bố trí vào buổi chiều ngày 22.5, ngay sau phiên khai mạc. Dù vậy, nội dung cụ thể về công tác nhân sự chưa được Tổng thư ký Quốc hội đề cập.

Theo quy định hiện hành, nội dung nhân sự của Quốc hội bao gồm việc bầu, miễn nhiệm, phê chuẩn bổ nhiệm hoặc phê chuẩn miễn nhiệm đối với các chức danh Quốc hội bầu, phê chuẩn. 

Quốc hội sẽ họp tập trung để quyết công tác nhân sự từ ngày 22.5

Về các nội dung khác, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Chính phủ đề nghị bổ sung một số nội dung vào dự kiến chương trình kỳ họp 5.

Cụ thể, đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 23 và thống nhất đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ tài liệu để trình Quốc hội tại kỳ họp 5.

Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đã bố trí vào dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp.

Ngoài ra, có một số nội dung chưa được đưa vào chương trình kỳ họp vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có ý kiến, hoặc vẫn phải chờ ý kiến của cấp có thẩm quyền. 

Chẳng hạn, với 3 dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; luật Đường bộ, ông Cường cho biết đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 - 2024, nhưng vẫn chờ xin ý kiến của Bộ Chính trị. 

"Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định", ông Cường nói.

Ngoài nội dung, một điểm mới của kỳ họp 5 lần này là Quốc hội sẽ họp thành 2 đợt, đợt 1 là 17 ngày, từ ngày 22.5 - 10.6; đợt 2 là 5 ngày, từ ngày 19 - 23.6. Nếu bổ sung thêm một số nội dung như 3 dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; luật Đường bộ thì dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 28.6.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường giải thích, việc bố trí kỳ họp thành 2 đợt, trong đó ấn định thời gian của đợt 1 (kết thúc ngày 10.6) để cơ bản thảo luận xong các nội dung và các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trong khoảng 1 tuần nghỉ giữa 2 đợt.

Việc này cũng tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm giải quyết các công việc ở bộ, ngành, địa phương.

Phản ánh ý kiến từ một số đoàn đại biểu Quốc hội, ông Cường cho biết có đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị tăng thời gian trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Đất đai (sửa đổi); tăng thời gian thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước lên 2 ngày; giảm thời gian chất vấn từ 2,5 ngày xuống còn 2 ngày…

Có ý kiến cho rằng, việc tổ chức kỳ họp thành 2 đợt được coi là có sự đổi mới, đột phá nhưng đề nghị cân nhắc kỹ, nghiên cứu bố trí phương án hậu cần cho phù hợp, nhất là đối với những đoàn đại biểu Quốc hội ở xa để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.