Sáng nay 28.6, tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, 95,47% đại biểu đã bấm nút thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Theo nghị quyết của Chính phủ, dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài khoảng 128,8 km, chia thành 5 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 25.540 tỉ đồng.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình chủ trương đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, để đáp ứng nhu cầu cấp bách của dự án thì việc đầu tư theo phương thức PPP là phù hợp. Theo phương án tài chính của dự án, ngân sách nhà nước hỗ trợ 12.770 tỉ đồng (chiếm 50% tổng mức đầu tư dự án).
Sơ bộ thời gian thu phí hoàn vốn của dự án không quá dài, cơ bản tương đồng với thời gian thu phí hoàn vốn của 3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020.
Cạnh đó, dự án sẽ được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, tổ chức tín dụng. Đồng thời, hiện nay chưa đủ cơ sở để đánh giá dự án không khả thi. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép triển khai dự án theo phương thức PPP như Chính phủ trình. Trong giai đoạn triển khai các bước tiếp theo, đề nghị Chính phủ nghiên cứu có các giải pháp hiệu quả thu hút các nhà đầu tư tham gia dự án.
Nhiều ý kiến cho rằng, tiến độ hoàn thành dự án năm 2026 là không khả thi, đề nghị điều chỉnh thời gian hoàn thành trong năm 2027, hoặc 2028. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027 để bảo đảm tính khả thi.
Trước đó, trong thảo luận, một số ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể hơn những vướng mắc, bất cập trong việc đầu tư các tuyến đường cao tốc thời gian qua. Trong đó có việc xây dựng làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ..., bổ sung quy định về việc xây dựng đồng bộ các trạm dừng nghỉ, các công trình phụ trợ đồng bộ với tuyến cao tốc khi đưa vào sử dụng.
Giải trình điều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, thời gian vừa qua, nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường cao tốc rất lớn, trong khi nguồn lực nhà nước còn khó khăn. Do đó, một số tuyến đường cao tốc được đầu tư phân kỳ để phù hợp với nhu cầu vận tải.
"Đối với một số đoạn đường bộ cao tốc đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhưng chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống trạm dừng nghỉ, công trình phụ trợ, gây bất tiện cho người tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm, trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Khi đưa vào khai thác phải đầu tư đầy đủ trạm dừng nghỉ, công trình phụ trợ", ông Vũ Hồng Thanh nêu.
Bình luận (0)