Sáng 17.6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Nhất trí cần thiết đầu tư dự án, đại biểu (ĐB) Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục QH, cho rằng dự án không chỉ cụ thể hóa các chiến lược, nghị quyết phát triển vùng Tây nguyên và Đông Nam bộ, mà mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương. Ông đề nghị có phương án dự phòng về nguồn vốn để đảm bảo tiến độ dự án; cơ chế tăng cường giám sát việc triển khai dự án, đặc biệt là trong áp dụng các cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư.
ĐB Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cũng cho rằng cần phải rà soát kỹ lưỡng tính hiệu quả của dự án, phương thức bố trí vốn. Bên cạnh đó, cần cân nhắc về cơ chế, chính sách chỉ định thầu. Lý do, qua thực tế triển khai đang cho thấy "trên thì mở dưới lại rất chặt chẽ". Ví dụ như quy định cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình thực hiện với các tư vấn thực hiện đền bù, GPMB, tái định cư. Nhưng quy định ở dưới về tất cả trình tự, thủ tục thì vẫn theo luật bình thường, không có một cơ chế nào đặc biệt cả.
ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thì lo ngại có 2 dự án BOT hiện hữu song hành, nếu tiếp tục thực hiện dự án này theo phương thức BOT sẽ dẫn đến bất cập, gây ảnh hưởng. Do vậy Chính phủ, Bộ GTVT cần nghiên cứu để đảm bảo công bằng, thuận lợi cho các đối tác đầu tư.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo phương án tài chính đã trình, dự án quy hoạch 6 làn xe và sẽ thi công xây dựng hoàn chỉnh 4 làn với phần vốn nhà nước tham gia là 50%. Dự kiến tới năm 2045 sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn xe. "Dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với các dự án trước đây, khoảng 18 năm. Đây là điểm mà các nhà đầu tư giao thông rất yêu thích và các ngân hàng cũng đồng tình", ông Thắng nói.
Đặc biệt, dự án này có khả thi do đã có nhà đầu tư đề xuất thực hiện. Trước đó, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, liên danh Vingroup và Techcombank là nhà đầu tư đề xuất. "Còn một phương án khác là Nhà nước đầu tư toàn bộ, sau đó sẽ chuyển nhượng quyền thu phí, nhưng tôi tin không phải sử dụng tới giải pháp này", ông Thắng cho hay.
Về tác động của dự án này với các dự án BOT song hành, Chính phủ đã lường trước vấn đề và yêu cầu Bộ GTVT trình phương án xử lý, tháo gỡ các dự án BOT bị ảnh hưởng. Bộ GTVT đã trình, đề xuất một số phương án tùy theo mức độ ảnh hưởng thực tế. Trước hết, phương án có thể kéo dài thời gian thu phí nếu 2 dự án BOT bị ảnh hưởng nhưng vẫn đảm bảo lưu lượng xe, khả năng tài chính. Trong trường hợp doanh thu quá dài, sẽ cân đối xem xét để bổ sung hỗ trợ một phần ngân sách nhà nước cho 2 dự án và tiếp tục thu phí.
Về lo ngại tiến độ dự án, Bộ trưởng GTVT cho biết, dự án này được thực hiện vào thời điểm thuận lợi, đã có kinh nghiệm làm nhiều dự án cao tốc. Thời gian thực hiện dự án được tính toán dựa trên kinh nghiệm thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2, thông thường chỉ khoảng 1 năm rưỡi, "còn 2 năm là quá dài". Sau khi QH phê duyệt, Chính phủ sẽ chỉ đạo và 2 địa phương sẽ tích cực GPMB, dự kiến khởi công ngay trong 2024, đảm bảo hoàn thành trong năm 2026.
Trước băn khoăn địa phương không đủ nguồn vốn ngân sách để tham gia dự án, theo Bộ trưởng Thắng, Đắk Nông và Bình Phước đều khẳng định tham gia đủ vốn. Ông cũng dẫn chứng khi xây dựng sân bay Điện Biên, dù là địa phương nghèo thuộc tốp cuối, phải bỏ ra 1.200 tỉ đồng trong khi ngân sách tỉnh chỉ 800 - 1.200 tỉ đồng/năm nhưng vẫn hoàn thành.
Theo tờ trình của Chính phủ, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) dài 128,8 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 25.540 tỉ đồng, với 6 làn xe, giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn, giải phóng mặt bằng thực hiện một lần với 6 làn xe, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/giờ.
Bình luận (0)