Chiều 26.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỉ đồng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), theo Nghị quyết 135 năm 2020 của Quốc hội.
Xem xét tái cấp vốn cho các doanh nghiệp hàng không
Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu đoàn TP.HCM Trần Hoàng Ngân cho hay, năm 2020, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đồng ý cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn 4.000 tỉ đồng cho Vietnam Airlines và gia hạn không quá 2 lần.
Tuy nhiên, năm 2021, Vietnam Airlines tiếp tục lỗ nặng trên 11.800 tỉ đồng và năm 2022 lỗ tiếp là 8.841 tỉ đồng. Năm 2023 kế hoạch dự kiến là lãi nhưng cuối cùng tiếp tục lỗ 4.789 tỉ đồng. Như vậy, qua 4 năm thì Việt Nam Airlines lỗ trên 32.000 tỉ đồng.
Với tình hình này, ông Ngân phân tích, nếu Quốc hội không cho Vietnam Airlines gia hạn nợ thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thanh khoản, đến khả năng duy trì hoạt động cũng như có khả năng phá sản. Do đó, để bảo vệ thương hiệu quốc gia, đặc biệt là vốn nhà nước tại Vietnam Airlines, ông Ngân đồng ý đề xuất của Chính phủ gia hạn nợ cho doanh nghiệp này.
"Khoản nợ vay tái cấp vốn của Vietnam Airlines chỉ 4.000 tỉ, so với khoản nợ của Vietnam Airlines hiện nay lên tới khoảng 58.000 tỉ, như vậy khoản này cũng rất ít", ông Ngân nói thêm.
Để có giải pháp căn cơ đảm bảo sự phát triển bền vững của Vietnam Airlines, ông Ngân kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng như Vietnam Airlines phải tái cơ cấu lại nợ và trong đó phải giảm nợ ngắn hạn bằng cách tăng vốn chủ sở hữu và phát hành cổ phiếu.
"Trong ngày hôm nay và ngày hôm qua khi Quốc hội thảo luận vấn đề này thì giá cổ phiếu của Vietnam Airlines đã tăng thêm. Vốn hóa của Vietnam Airlines tăng thêm 3.000 tỉ đồng và đã lên tới 3 tỉ USD", ông Ngân nói và cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để phát hành cổ phiếu.
Ông Ngân cũng đề nghị phải tạo điều kiện cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thay thế cho nguồn vốn ngắn hạn hiện nay. Cùng đó, cần xem xét đến gói tái cấp vốn cho các doanh nghiệp hàng không Việt Nam, không chỉ một mình Vietnam Airlines.
"Báo lỗ xong lại lấy tiền ra đưa xong lại lỗ tiếp thì nguy hiểm quá"
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cũng đồng tình gia hạn khoản nợ 4.000 tỉ đồng cho Vietnam Airlines vì đây là đơn vị của Nhà nước, là "con đẻ" và là thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, ông Thân cho rằng, giải pháp phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp mà đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất là không khả thi. Theo ông, Nhà nước chỉ nên tập trung vào việc làm sao để tái cấp vốn cho Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, ông Thân nhấn mạnh, phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao Vietnam Airlines cứ lỗ. Trước Covid-19 cũng lỗ, trong Covid-19 cũng lỗ, đến bây giờ vẫn lỗ. "Giả sử như bây giờ chúng ta gia hạn tái cấp vốn nhưng tiếp tục lỗ thì sao? Câu hỏi này dứt khoát phải đặt ra và chúng ta phải có giải pháp căn cơ, thấu đáo để giải quyết. Bây giờ báo lỗ xong lại lấy tiền ra đưa xong lại lỗ tiếp thì nguy hiểm quá", ông Thân nói, đồng thời cho rằng, nếu không có lời giải cho câu hỏi này thì rất nguy hiểm và hệ lụy về sau không lường được.
Tại Nghị quyết 135 năm 2020, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng đó, cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Tờ trình của Chính phủ cho biết, từ tháng 7 - tháng 12.2021, Vietnam Airlines hoàn thành sử dụng gói vay vốn với tổng giá trị đạt gần 4.000 tỉ đồng. Tính đến 31.12.2023, Vietnam Airlines đã thanh toán đầy đủ 220 tỉ đồng lãi vay cho các tổ chức tín dụng.
Theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội và các hợp đồng tín dụng, từ tháng 7 - tháng 12.2024, Vietnam Airlines sẽ phải thanh toán toàn bộ số nợ gốc vay. Tuy nhiên, trước hệ lụy từ đại dịch Covid-19 và môi trường kinh doanh tiếp tục biến động, nhiều rủi ro, trạng thái tài chính năm 2024 của Vietnam Airlines chưa được cải thiện như kỳ vọng.
Dự kiến đến cuối năm 2024, vốn chủ sở hữu công ty mẹ Vietnam Airlines và hợp nhất vẫn âm lần lượt là 8.237 tỉ đồng và 13.108 tỉ đồng. Vay ngắn hạn (bao gồm khoản vay từ nguồn tái cấp vốn) và nợ quá hạn của Vietnam Airlines ở mức cao, trong đó khoản vay tái cấp vốn có thời hạn hoàn trả từ tháng 7.2024 cùng nhiều khoản nợ từ giai đoạn trước sẽ đến hạn phải trả trong năm 2024.
Từ thực tiễn đã nêu, Chính phủ đề xuất thông qua việc cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm; lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.
Bình luận (0)