Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 qua địa bàn tỉnh Bình Định dài 118 km, tổng
kinh phí 7.798 tỉ đồng, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, được chia làm 3 dự án
thành phần.
tin liên quan
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Cấm thu phí nếu chậm khắc phục đường hư hỏngTrong đó, Dự án BOT Bắc Bình Định qua địa bàn H.Hoài Nhơn có chiều dài 28,7 km, tổng mức đầu tư của dự án gần 1.645 tỉ đồng do Tổng công ty CP BOT Bắc Bình Định thực hiện. Dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ có chiều dài 60,6 km qua địa phận các huyện Phù Mỹ, Phù Cát và TX.An Nhơn, tổng vốn đầu tư hơn 4.109 tỉ đồng, do Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (thuộc Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) thực hiện. Dự án BOT Nam Bình Định có chiều dài 40,66 km (trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định dài 18,66 km, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên dài 22 km), tổng vốn đầu tư 2.045 tỉ đồng, do Công ty CP BOT Bình Định thực hiện.
Các dự án thành phần đều được khởi công từ đầu năm 2013, do Ban Quản lý Dự án 2 (thuộc Tổng cục Đường bộ) phụ trách (bao gồm cả dự án nâng cấp, mở rộng QL1 qua địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên). Tuy nhiên, quá trình thi công liên tục bị chậm tiến độ do các nhà thầu không đủ năng lực, Ban Quản lý Dự án 2 không kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện, khiến người dân rất bức xúc. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ GTVT thay đổi một số nhà thầu thi công dự án. Tháng 2.2015, Bộ GTVT thay Ban Quản lý Dự án 2 bằng Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, thay giám đốc điều hành dự án, yêu cầu rà soát lại năng lực các nhà đầu tư...
“Đường xấu nhất nước”
Tháng 1.2015, dự án nâng cấp, mở rộng QL1 qua địa bàn tỉnh Bình Định được đưa vào khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, mặt đường liên tục bị hư hỏng nặng, hệ thống an toàn giao thông chưa đảm bảo, gây mất an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông. Tổ chức giao thông tại các nút giao với QL1 còn tồn tại nhiều bất cập, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông chết người. Bộ GTVT nhiều lần chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành sửa chữa, khắc phục các hư hỏng nhưng chưa triệt để, chưa đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật nên QL1 liên tiếp bị hư hỏng. Nhiều tài xế chạy xe trên tuyến bắc - nam cho rằng QL1 qua địa bàn tỉnh Bình Định là “đoạn đường xấu nhất nước, mặt đường như ruộng cày”.
|
Không chỉ hư hỏng mặt đường, các tuyến đường tránh QL1 qua địa bàn TT.Phù Mỹ (H.Phù Mỹ), TX.An Nhơn không có hệ thống điện chiếu sáng, không có dải phân cách giữa 2 làn đường nhưng lại có nhiều điểm giao nhau với đường không ưu tiên nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Theo Trạm CSGT Tuy Phước (Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định), QL1 qua TX.An Nhơn dài 8 km nhưng từ tháng 10.2015 đến nay đã xảy ra hơn 10 vụ tai nạn giao thông làm 6 người chết, chưa kể hàng chục vụ va chạm gây thương tích cho người đi đường.
Theo người dân sống dọc QL1, cứ sau những ngày có mưa lớn, mặt đường lại xuất hiện đầy ổ gà, ổ voi... Những điểm hư hỏng này được sửa chữa một thời gian lại bị hư hỏng. Mới đây, từ ngày 1 - 4.10, tại tỉnh Bình Định xuất hiện đợt mưa lớn đầu mùa thì mặt QL1 lại hư hỏng nặng, rất nguy hiểm khi xe lưu thông vào ban đêm.
Liên tục kiến nghị
Ông Phan Cao Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị sớm khắc phục các hư hỏng trên QL1, nhưng công tác khắc phục vẫn còn chậm trễ.
Còn bà Lý Tiết Hạnh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, cho biết vào cuối năm 2017, QL1 qua địa phận tỉnh Bình Định hư hỏng rất nghiêm trọng, người dân bức xúc, cử tri liên tục kiến nghị. Tại kỳ họp Quốc hội vào đầu tháng 6 vừa qua, bà đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT về việc khắc phục các tồn tại trên tuyến QL1 qua địa bàn tỉnh Bình Định. “Khi đó, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã đứng ra hứa trước Quốc hội là sẽ chỉ đạo khắc phục QL1 qua địa bàn tỉnh Bình Định dứt điểm, trước mùa mưa lũ 2018. Nếu Bộ trưởng không có trách nhiệm với lời hứa của mình thì lần này rất khó để ổn định dư luận, cử tri và người dân. Đáng nói, đây lại là tuyến đường huyết mạch của cả nước mà hư hỏng nghiêm trọng, thì rõ ràng chủ đầu tư quá thiếu trách nhiệm”, bà Hạnh nói.
Vật liệu làm đường không đảm bảo
Theo ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (thuộc Bộ GTVT), nguyên nhân QL1 trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục bị hư hỏng là do các năm 2016, 2017, tỉnh này có nhiều đợt bão, lũ do biến đổi khí hậu và vật liệu làm đường ở Bình Định không đảm bảo, đặc biệt là độ bám của đá làm đường rất thấp. Trong khi đó, việc sửa chữa, khắc phục đường trong thời gian qua cũng chỉ để bảm đảm giao thông là chính, chưa khắc phục dứt điểm các tồn tại. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phương án triển khai lớp phủ bằng nhựa tăng cường tại tuyến QL1 qua địa bàn Bình Định. Hiện việc khắc phục hư hỏng trên QL1 tại tỉnh Bình Định sẽ được thực hiện bằng 2 biện pháp: Đối với đoạn còn giữ được kết cấu ổn định thì thực hiện lớp thảm tăng cường bằng nhựa polymer; đoạn nào sâu, bị hỏng nặng thì cào bóc tái chế bằng bê tông, nhựa đường, xi măng...
Ông Thành cho biết hiện đã có kinh phí để thực hiện việc thảm bê tông polymer đối với 19 km tại tuyến BOT Bắc Bình Định, 34 km tại dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ và 32 km tại dự án BOT Nam Bình Định. Những đoạn còn lại chưa được thảm bê tông polymer sẽ được thực hiện vào giai đoạn 2.
Còn theo ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, việc khắc phục hư hỏng trên QL1 qua địa bàn tỉnh Bình Định trong thời gian qua bị chậm là do loay hoay tìm ra phương án xử lý. “Hiện đã có phương án cụ thể nên đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành việc sửa chữa các điểm hư hỏng này”, ông Hoàng nói.
Điệp khúc “sửa - hỏng - sửa” !
Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng đoạn QL1 qua Phú Yên khởi công vào ngày 8.9.2013 và hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2015. Dự án có chiều dài hơn 66 km, tổng mức đầu tư 4.350 tỉ đồng, do Ban Quản lý Dự án Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, chỉ sau vài cơn mưa, đoạn quốc lộ này đã bị sụt lở nhiều nơi, nhất là tại đèo Quán Cau và cầu An Hiệp (H.Tuy An). Nhiều tài xế khi điều khiển xe qua đèo Quán Cau rất sợ vì dễ bị tai nạn do mặt đường lún thành những vệt hằn sâu, khó điều khiển xe.
Theo ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND H.Tuy An, nguyên nhân mặt đường trên đèo Quán Cau thường bị hư hỏng vào mùa mưa là nền đất yếu. “Đối với đoạn qua đèo Quán Cau, tôi kiến nghị nên đầu tư xử lý nền đường thật kỹ vì địa chất ở khu này rất yếu. Nếu cứ sửa chữa bằng cách trải lại thảm nhựa thì sẽ qua một mùa mưa nắng lại hỏng tiếp”, ông Thành nói.
Trong khi đó, đoạn qua cầu An Hiệp, mặt đường bị băm nát như “tương” đang được nhà thầu vá lấp tạm. Ông Thành bức xúc: “Mặt đường đoạn này gần như hư hỏng hoàn toàn. Năm trước cũng vào mùa mưa, mặt đường ở đây bị lở, nhà thầu vá lấp, nhưng đến năm nay lại bong tróc nặng. Để đảm bảo lâu dài, nhà thầu cần phải cào hết lớp mặt đường hư thảm nhựa lại”.
Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GT-VT Phú Yên, cho biết hiện tuyến QL1 qua Phú Yên vẫn trong thời gian bảo hành nên nhà thầu phải có trách nhiệm tiếp tục duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn giao thông qua tuyến này.
Đức Huy
|
Bình luận (0)