Quỹ bình ổn ở đâu khi xăng tăng giá 3 lần liên tiếp?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
29/06/2024 06:08 GMT+7

Tại kỳ điều hành giá chiều 27.6, giá bán lẻ xăng dầu tăng lần thứ ba liên tiếp. Câu hỏi đặt ra là có nên trích Quỹ bình ổn xăng dầu để tránh tác động đến giá cước, giá thành hàng hóa và xa hơn là CPI?

Tăng hơn 1.000 đồng/lít trong 3 tuần

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu tuần đầu tiên trong tháng (ngày 6.6), giá xăng đã được điều chỉnh giảm 550 - 620 đồng/lít, giá dầu diesel giảm 330 đồng/kg. Tuy nhiên, cả ba lần điều hành sau đó (các ngày 13.6, 20.6 và 27.6), giá xăng dầu đồng loạt tăng. Tổng mức tăng của giá xăng E5 RON92 trong 3 tuần qua là khoảng 880 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng khoảng 1.040 đồng/lít; dầu diesel tăng khoảng 1.270 đồng/lít.

Quỹ bình ổn ở đâu khi xăng tăng giá 3 lần liên tiếp?- Ảnh 1.

Xăng tăng hơn 1.000 đồng/lít trong 3 tuần qua

Đào Ngọc Thạch

Theo Bộ Công thương, giá xăng dầu trong nước tăng theo xu hướng tăng của giá thế giới, thị trường thế giới trong thời gian qua chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông, tồn kho dầu tại Mỹ tăng lên, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn…

So với đầu năm (kỳ điều hành giá ngày 4.1), giá bán lẻ xăng dầu hiện tại đang cao hơn 1.000 đồng/lít, từ gần 22.000 đồng/lít, nay lên trên 23.000 đồng/lít (xăng RON95). Điều đáng lưu ý là mức giá công bố của cơ quan điều hành theo giá vùng 1 (gần kho, cảng, nhà máy...) luôn thấp hơn so với giá bán thực tế và thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ tại các thị trường thuộc vùng 2 (chiếm 2/3 các địa phương).

Ngày 28.6, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu do liên Bộ Công thương - Tài chính công bố, giá xăng RON95 cao nhất 23.010 đồng/lít, xăng E5 RON92 22.014 đồng/lít, dầu diesel 20.689 đồng/lít. Thế nhưng, bảng giá bán lẻ của Petrolimex tại thị trường vùng 2 cao hơn 500 đồng, lên 23.470 đồng/lít xăng RON 95-III và lên 23.970 đồng/lít xăng RON 95-V. Tương tự, giá dầu diesel tại thị trường vùng 2 cũng ở mức 21.740 đồng/lít. Trong thực tế, nhiều cây xăng đều bán loại xăng RON 95-V, tức người tiêu dùng tại 43 tỉnh, thành (vùng 2) đang mua xăng với giá gần 24.000 đồng/lít.

Vẫn biết giá xăng dầu biến động tăng theo thế giới, thế nhưng câu hỏi nhiều người đặt ra là tại sao không trích Quỹ bình ổn? Nhìn lại thì suốt từ tháng 10.2023 đến nay, tương đương 8 tháng, cơ quan điều hành không trích cũng như không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong khi quỹ tính hết năm 2023 còn tồn hơn 6.655 tỉ đồng, chưa tính tiền lãi gửi trong 6 tháng đầu năm.

Trong bối cảnh đó, áp lực tăng giá tác động đến CPI đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ cũng như các cơ quan có thẩm quyền. Trong tháng 5, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhóm giao thông đã giảm 1,73% nhờ giá xăng trong nước giảm hơn 4,7%, giá dầu giảm hơn 5%. Tuy vậy, giá vận tải hành khách bằng taxi tăng 0,94%, vận tải hành khách kết hợp tăng 0,22%, đường thủy tăng 0,18%, đường bộ tăng 0,1% do nhu cầu đi lại dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ nhà xe tư nhân chạy tuyến TP.HCM - miền Đông Nam bộ, cho biết giá cước vận tải từ đầu năm đến nay vẫn duy trì mức cao như giá tết do giá xăng tăng nhiều lần hơn giảm.

"Dịp nghỉ hè này, nếu giá xăng dầu lùi về mức 20.000 - 21.000 đồng/lít, chắc chắn giá cước vận tải sẽ có động thái giảm để kích cầu, từ 230.000 đồng/lượt xe limousine chạy tuyến Vũng Tàu - TP.HCM có thể về mức 200.000 - 210.000 đồng/lượt. Hiện tại, giá xăng đổ từ đầu tháng đến cuối tháng tăng hơn 1.000 đồng/lít, không ai dám bán vé rẻ hơn được", ông Tuấn nói.

Có nên trích quỹ?

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú bày tỏ lo ngại việc giá xăng đang vượt mức 23.000 đồng/lít và có thể lên 24.000 - 25.000 đồng/lít trong bối cảnh xung đột địa chính trị leo thang tại Trung Đông, Đông Âu… Ở chiều ngược lại, sức mua của người dân vẫn còn rất yếu, dù đang trong mùa mua sắm, đi chơi hội hè.

"Từ đầu kỳ nghỉ hè, thường các địa phương tổ chức tháng khuyến mại, giảm giá hàng hóa rất rầm rộ, mục đích kích cầu. Từ ngày 1.7 tới, lương tăng, thuế giá trị gia tăng tiếp tục giảm… Mọi chính sách đang hướng đến việc kích cầu ở mức cao nhất, khuyến khích người dân mở hầu bao chi tiêu, du lịch, đi lại... Thế nhưng, nếu không kiểm soát giá xăng, ảnh hưởng đến giá cước thì khó kích cầu du lịch. Chưa kể dầu liên quan đến chi phí đầu vào trong sản xuất và nếu tăng sẽ khiến doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu và phục vụ thị trường nội địa bị áp lực theo. Như vậy, vô hình trung chính giá nhiên liệu tăng ảnh hưởng đến hiệu quả các chính sách kích cầu khác", chuyên gia Vũ Vinh Phú phân tích.

Theo ông Phú, nếu cứ để giá xăng dầu tăng cao, sẽ khiến sản xuất trong nước khó khăn ảnh hưởng đến giá thành, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh sức mua còn yếu, nếu để nhà sản xuất vì áp lực đầu vào tăng mà phải tăng giá bán thì không ổn. Lương chưa tăng nhưng trong tháng 6 đã có một số hàng hóa tăng giá bán, cộng thêm giá xăng dầu tăng liên tục khiến áp lực giá cả hàng hóa từ tháng 7 sẽ vô cùng lớn. Vì vậy, đã đến lúc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá cả hàng hóa nói chung, tránh lạm phát có thể căng thẳng từ tháng 7 - 8, sau khi lương tăng.

Trong khi đó, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính, phân tích Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ được sử dụng khi giá thị trường mang tính giật cục, tăng giảm đột ngột với độ chênh lệch lớn. Trong tháng 6, giá xăng dầu trong nước có 3 lần tăng, 1 lần giảm. Tuy nhiên, mức tăng không đáng kể, chưa mang tính đột biến, không giật cục, nên cơ quan điều hành chưa can thiệp bởi cân đong đo đếm cho thấy chưa tác động đáng kể về vĩ mô, lạm phát chưa bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu.

Dù vậy, ông Thịnh cũng dự báo từ tháng 7, khi lương thực nhận tăng rồi, cần quản lý giá cả hàng hóa chặt. Nếu không, nguy cơ lạm phát từ tháng 7 trở đi là dễ xảy ra.

"Tuy vậy, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng lúc này là không cần thiết bởi loạt chính sách khuyến khích để giá hàng hóa giảm đã và đang được thực hiện khá tốt. Đó là tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng, thuế đất, phí trước trước bạ giảm, bên cạnh đó, tiền lương tăng; Bộ Tài chính cũng tiếp tục cho giảm 10 - 50% 36 khoản phí, lệ phí từ nay đến hết năm. Hơn nữa, một số phân tích dự báo cho thấy giá dầu thế giới có thể đi ngang, hoặc giảm nhẹ trong tháng tới do nhu cầu không biến động, tồn kho dầu thô tại Mỹ tăng mạnh. Giả sử giá dầu thế giới trong tháng 7 biến động tăng mạnh, công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu có thể được xem xét. Nên coi đó là nguồn quỹ quan trọng cho tương lai. Năm 2024 mới đi được nửa chặng đường, đừng nghĩ mấy ngàn tỉ đồng tiền quỹ là "xông xênh" lắm rồi, mang ra dùng hết, quý cuối năm biến động giá cả, lại trở tay không kịp", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang được trích lập và sử dụng theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2021. Theo đó, quỹ này chỉ được sử dụng khi chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ trước liền kề kỳ điều hành tăng từ 7% trở lên. Khi giá giảm hơn 5%, quỹ được trích thêm, ngoài 300 đồng/lít như quy định. Đối chiếu các kỳ gần đây, chênh lệch giữa giá cơ sở tại kỳ công bố liền kề nhau đều dưới 7%. Do đó, theo các nhà làm luật, việc cơ quan điều hành không sử dụng Quỹ bình ổn giá là đúng quy định. Vấn đề là, các quy định về tỷ lệ tăng, giảm này không đảm bảo mục tiêu bình ổn, thiếu căn cứ quy định khi nào trích, xả quỹ. Cơ quan quản lý cần có phương án điều hành linh hoạt, phù hợp thực tế hơn.

Luật sư Nguyễn Quốc Toản (Giám đốc hãng luật IAM, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.