Mức tăng gấp đôi mức giảm
Bộ Tài chính vừa công bố số dư Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu đến hết tháng 12.2023 còn tồn hơn 6.655 tỉ đồng. Quỹ tồn dư nhiều bởi trong 12 lần điều hành giá xăng dầu tính từ đầu năm đến nay, Quỹ BOG đã không được chi đồng nào. Riêng với mặt hàng dầu mazut (chủ yếu bán sỉ), lại bị trích lập quỹ liên tiếp, với tổng mức trích 1.200 đồng/kg. Như vậy, tồn dư của Quỹ BOG xăng dầu đến nay có thể cao hơn con số báo cáo trên.
Đáng nói là trong 12 lần điều chỉnh giá xăng dầu tính từ đầu năm đến nay, có 7 lần tăng giá và 5 lần giảm. Trong đó, tổng mức tăng đối với xăng RON95 là gần 3.900 đồng/lít, với xăng E5 RON92 là hơn 3.600 đồng/lít, với dầu diesel hơn 2.800 đồng/lít. Còn 5 lần giảm với tổng mức giảm lần lượt khoảng 1.780 đồng/lít, 1.650 đồng/lít và 1.600 đồng/lít.
Tại các lần điều hành giá, Bộ Công thương luôn giải thích giá trong nước biến động do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố từ nước ngoài. Từ khi xảy ra xung đột tại khu vực Trung Đông và sau này vùng tấn công tàu chở dầu tại vùng Biển Đỏ dẫn đến khan hiếm nguồn cung, nguy cơ gián đoạn… và giá xăng dầu trong nước lẫn thế giới biến động liên tục. Nhưng quan trọng là công cụ Quỹ BOG trong nước gần như bị bỏ qua tại các kỳ biến động giá này, trong khi tổng mức tăng trong vòng chưa tới 3 tháng với 1 lít xăng gần 4.000 đồng là rất lớn, mức tăng cao hơn gấp đôi mức giảm.
Vai trò của quỹ bình ổn xăng dầu ở đâu
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận xét mục đích quỹ là bình ổn thị trường, song để tồn gần 7.000 tỉ đồng, không được đưa ra sử dụng thì cần đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý quỹ.
"Quý đầu năm là thời điểm cần thiết để kích thích sức mua, giá xăng giảm được 1.000 đồng/lít là sự hỗ trợ rất lớn cho nền kinh tế. Theo tôi, sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh này đối với giá xăng dầu chỉ khoảng 20.000 - 22.000 đồng/lít là vừa, cao hơn là gây khó khăn cho họ. Thực tế, việc giảm giá xăng ít hơn tăng, trong đó có lần chỉ giảm 14 đồng/lít là chả bõ bèn gì", ông Phú nói.
Đó là chưa nói, giá xăng dầu đang bán trên thị trường chủ yếu theo giá vùng 2 cao hơn so với giá công bố. Chẳng hạn, giá xăng theo công bố của cơ quan quản lý tại lần điều chỉnh gần đây nhất đối với xăng RON94 là không quá 24.280 đồng/lít (tại thị trường vùng 1). Tuy nhiên, theo công bố của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - đơn vị chiếm hơn 50% thị phần xăng dầu cả nước - chỉ có người dân tại 17/63 tỉnh thành được hưởng giá xăng dầu tại vùng 1; 46 tỉnh thành còn lại phải mua xăng dầu theo giá vùng 2 (xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu, có chi phí kinh doanh cao hơn định mức chi phí cấu thành trong giá cơ sở), cao hơn tối đa 2%, tương đương cao hơn 500 - 600 đồng/lít. Chẳng hạn, giá bán xăng RON 95-V của Petrolimex tại vùng 1 là 24.690 đồng/lít, vùng 2 là 25.180 đồng/lít.
Nên quản lý độc lập
Theo Bộ Tài chính, việc công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG xăng dầu được thực hiện theo nguyên tắc công khai minh bạch theo quy định tại Nghị định số 83 và Nghị định 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Tuy vậy, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng Quỹ BOG chưa được quản lý minh bạch. Bằng chứng là để doanh nghiệp đầu mối sử dụng quỹ thời gian dài, không kết chuyển về, không có báo cáo, nhưng đơn vị quản lý không có biện pháp hoặc đã không nghiêm trong việc buộc doanh nghiệp tuân thủ quy định. Thế nên, khi doanh nghiệp nợ quỹ với số tiền quá lớn, lãnh đạo cao cấp bị bắt, việc đòi lại tiền quỹ càng khó khăn hơn.
Theo ông, Quỹ BOG là nguồn tài chính quan trọng để điều tiết giá xăng dầu lúc giá thế giới tăng cao, giúp ổn định chỉ số giá tiêu dùng CPI, chống lạm phát trong nước. Thời gian qua, Quỹ BOG đã được sử dụng theo mục tiêu đặt ra, tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về tác động điều tiết giá. Đó là vào thời điểm cần thiết phải chi nhằm giúp hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tăng, quỹ lại không "ra tay". Trong khi đó, việc tăng giá xăng dầu cao sẽ ảnh hưởng đến giá cả sinh hoạt, chi phí sản xuất của doanh nghiệp, chi phí vận tải, logistics… đặc biệt đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng, dầu.
"Theo tôi, Quỹ BOG khi chưa có điều luật nào cho bỏ, muốn duy trì, phải bảo đảm tính độc lập. Không nên để tại tài khoản doanh nghiệp đầu mối xăng dầu quản lý như lâu nay. Hậu quả nhãn tiền của việc bỏ hàng ngàn tỉ đồng của người dân tại tài khoản doanh nghiệp đầu mối quản lý đã được chính Thanh tra Chính phủ, cơ quan quản lý, người dân thấy rõ không an toàn. Tại sao đến lúc này vẫn duy trì cách giữ quỹ đó?
Thứ 2, trong thời gian chờ cơ chế mới nhằm tăng tính minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, ví dụ như xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng đang được triển khai, Chính phủ cũng nên tính đến việc quản lý quỹ bảo đảm tính độc lập cao hơn. Để Quỹ vận hành hiệu quả theo mục tiêu cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc minh bạch có sự giám sát của Nhà nước, nhân dân. Đặc biệt việc trích lập quỹ cần minh bạch và phát huy vai trò điều tiết của quỹ cao nhất có thể", PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nêu quan điểm.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh phải có dự trữ bằng vật chất, thay vì bằng tiền. Dự trữ bằng vật chất là xăng dầu thành phẩm, dầu thô… Khi giá thấp, có thể mua vào theo hợp đồng tương lai, giá cao quá mức chịu đựng của nền kinh tế, có thể bán ra. Qua đó, giúp bình ổn được giá bán, vừa có dư địa để bù đắp khi giá thế giới tăng mạnh. Nhiều quốc gia đã áp dụng dự trữ bằng vật chất và thành công, chẳng hạn như Trung Quốc.
Quỹ BOG xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, song toàn bộ phần trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước. Nguồn hình thành quỹ bình ổn này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (tối đa 300 đồng/lít), nhưng được quản lý tại doanh nghiệp đầu mối và việc sử dụng quỹ do nhà điều hành quyết định.
Bình luận (0)