Như Thanh Niên đã đưa tin, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Dứt khoát thu hồi giấy phép, nếu cửa hàng xăng dầu không sử dụng hóa đơn điện tử trong tháng 3".
Cập nhật đến ngày 26.2, Bộ Tài chính cho biết cả nước có khoảng 7.542 cây xăng trên tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định của luật Quản lý thuế. Số lượng này tăng 5.849 cửa hàng so với thời điểm ngày 1.12.2023 và tăng hơn 1.000 cửa hàng so với ngày 1.2.2024. Còn theo báo cáo của ngành thuế, có nhiều địa phương đã có cửa hàng xăng dầu bán lẻ đầu tư và thực hiện hóa đơn điện tử xăng dầu đạt trên dưới 90%, thậm chí có địa phương đã áp dụng 100%.
Đến nay vẫn còn gần 9.500 cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa áp dụng xuất hóa đơn từng lần bán hàng, và đến cuối tháng 3 này nếu không thực hiện sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.
Càng sớm càng tốt
Nhận xét về lộ trình thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử tại cây xăng cho từng lần bán hàng, bạn đọc (BĐ) Hiếu Ngọc nêu: "Nên đẩy nhanh, hoàn thành lộ trình này càng sớm càng tốt vì sẽ hạn chế được tình trạng một số cây xăng kinh doanh gian dối. Tình trạng cố ý tăng giá xăng sớm hơn hoặc hạ giá bán chậm hơn so với thời gian quy định nhằm kiếm lời bất chính đã từng xảy ra". Tán thành nhận định này, BĐ Tuấn An góp ý thêm: "Cần ủng hộ biện pháp quản lý hữu hiệu để làm trong sạch môi trường kinh doanh xăng dầu. Cả xã hội từng khổ sở với cảnh xúm đen xúm đỏ canh mua từng lít xăng và cả cơ quan quản lý cũng từng đau đầu để giải quyết sự rối loạn của thị trường bán lẻ xăng dầu". BĐ Minh Nhật Trương đánh giá dùng công cụ quản lý tạo sức ép với việc các cây xăng buộc phải xuất hóa đơn điện tử cho từng lần bán xăng như hiện nay là "quá hợp lý, tôi ủng hộ quyết định này".
Phân tích thêm về mục đích kết nối dữ liệu với cơ quan thuế "cho từng lần bán xăng", BĐ Trường Lưu nhấn mạnh ngoài việc kiểm soát chống thất thu thuế, thì quản lý được dữ liệu thực sự của dòng chảy xăng dầu ra thị trường mới có thể có được những chính sách kinh tế - xã hội đúng đắn. Từ đó, BĐ Trường Lưu nêu: "Công khai, minh bạch là vấn đề người dân hết sức quan tâm, nhất là với tình hình giá xăng dầu tăng giảm liên tục". Đồng ý với phân tích này, BĐ Lê Quang cho rằng: "Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu sẽ có cơ sở chứng minh lỗ hay lời, thay vì cứ âm thầm đóng cửa cây xăng như đã từng xảy ra".
Khách hàng an tâm
Bên cạnh việc ủng hộ biện pháp quản lý có thể giúp minh bạch thị trường bán lẻ xăng dầu, nhiều BĐ cũng đề nghị các cơ quan quản lý cần đảm bảo để việc áp dụng lộ trình hóa đơn điện tử "không gây thêm gánh nặng chi phí cho DN". BĐ trung nguyen minh lo ngại: "Cửa hàng nhập xăng dầu có hóa đơn đầu vào rồi, thì từ đó căn cứ mà thu thuế cũng được, chứ sao phải ra thêm giấy bán lẻ. Phương tiện cá nhân có bao nhiêu người cần giấy này đâu? Hóa đơn điện tử hay hóa đơn giấy e rằng đều gây thêm tốn kém cho DN".
Nhận xét về ý kiến trên, BĐ Trung Lân cho rằng: "Cái này có lộ trình lâu rồi, đủ thời gian cho DN tính toán cân nhắc đầu tư một lần hệ thống, phần mềm, giải pháp… Nhiều cửa hàng xăng dầu đã áp dụng rồi, chẳng lẽ những cửa hàng còn lại không cách nào áp dụng hóa đơn điện tử". BĐ Ha Nguyen đề nghị: "Nếu DN nào khó khăn ngành thuế phải vào cuộc hỗ trợ ngay để đảm bảo các cây xăng áp dụng được hóa đơn bán lẻ điện tử. Vì cơ bản với người dân thì không thay đổi gì cả, nhưng khách hàng sẽ an tâm hơn".
Nên áp dụng và có thiết bị kiểm soát, thay vì 1 lít khó xuất hóa đơn thì lũy kế 10 lít xuất 1 lần.
le thanh dat
Lĩnh vực nào cũng vậy, bán buôn mà không rõ ràng rất khó biết, cơ quan quản lý nên mạnh tay.
Thuy Doan Thi Thanh
Tôi đề xuất phương án để dễ dàng xuất hóa đơn điện tử như sau: Tạo app trên di động; người đổ xăng tự viết hóa đơn thông qua app, giống như mua sẵn voucher trong siêu thị; đem voucher đến cây xăng để đổ xăng.
Tuệ Đặng Minh
Bình luận (0)