Muôn kiểu... rớt
Những người mê ca trù nhiều năm nay vẫn mê giọng ca và tiếng phách của bà Phó Thị Kim Đức. Bà Đức học ca trù theo cha từ nhỏ, giọng hát trong veo như tiếng hạc. Chưa kể, tay phách của bà hay đến mức được mệnh danh là “tiếng phách trạng nguyên”. Rồi sau đó, khi quan điểm bỏ những gì phong kiến lạc hậu, trong đó có ca trù được áp dụng, bà không được hát ca trù nữa. Bà Đức đầu quân về Đài tiếng nói VN, vẫn hát, nhưng là hát chèo. Bà cũng đã được phong NSƯT vì tài năng hát chèo. “Cụ Đức là NSƯT của chèo, nhưng cũng xứng đáng nghệ nhân của ca trù”, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, nói.
Tuy nhiên, khả năng để bà Phó Thị Kim Đức trở thành Nghệ nhân ưu tú, hay Nghệ nhân nhân dân ca trù là bằng… 0. Theo quy định, những người đã là NSƯT, NSND sẽ không được xét danh hiệu ở nội dung Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú nữa. Họ chỉ được quyền chọn một trong hai loại danh hiệu. “Bà Kim Đức là NSƯT ngành chèo, cũng là nghệ nhân ca trù cuối cùng của thế kỷ 20. Nhưng bà sẽ không bao giờ được phong nghệ nhân vì đã được phong NSƯT rồi. Mà nếu không phong cho bà là vô lý”, ông Hiền nói.
|
Tuy nhiên, các nghệ nhân về nghệ thuật biểu diễn còn nhiều hơn nghệ nhân ẩm thực. Chẳng hạn, danh sách của Hà Nội năm ngoái chỉ có 1 nghệ nhân ẩm thực, năm nay tuy khá hơn nhưng cũng không nhiều. Một nghệ nhân ẩm thực xót xa cho các bạn của mình: “Nếu bảo làm hồ sơ mà phải có các danh hiệu cuộc thi hay tham gia hội chợ thì khó lắm. Nghệ nhân nhiều khi làm ở nhà, nấu ngon, chứ đâu có chủ trương đi thi. Mà có tuổi rồi đi thi càng ngại”. Chưa kể, có những ngành hàng rất khó thi thố, như ngành mứt kẹo ô mai, khô cá…
Nên có cơ chế đặc cách
Theo ông Bùi Trọng Hiền, nếu hồ sơ vẫn cần bổ sung các danh hiệu như đóng góp thì việc phong nghệ nhân sẽ mang tính phong trào, tính văn hóa quần chúng. “Có những nghệ nhân tài năng bậc thầy rồi thì thi làm gì. Như cụ Nguyễn Phú Đẹ là kép đàn bậc thầy rồi, cụ biết thi cái gì để phong danh hiệu? Những người như cụ Đẹ phải đặc cách phong Nghệ nhân nhân dân chứ”, ông Hiền nói.
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cũng thừa nhận việc phong nghệ nhân rất khó. Nếu yêu cầu phải có giải thưởng thì có nguy cơ mua giải thưởng, nếu không yêu cầu thì lại khó có tiêu chí để xét duyệt, chẳng hạn tuổi làm nghề phải đạt bao nhiêu năm. “Các cụ là nghệ nhân dân gian, chỉ làm nghề, mà lại định lượng phải có huy chương, giải thưởng mới xét công nhận thì làm gì có”, ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, việc nổi tiếng được xã hội công nhận cũng là yếu tố quan trọng để xét nghệ nhân. “Riêng Nghệ nhân nhân dân thì phải đích đáng như bà Tuyết (nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết - ở Mã Mây, Hà Nội) thì mới làm được. Không phải ai ưu tú cũng được nhân dân, họ phải là ngôi sao sáng nhiều mặt, có ảnh hưởng tích cực đến xã hội”, ông cho biết.
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa, cho rằng khi xét duyệt cũng không nên quá câu nệ huy chương, giải thưởng mà chú trọng thành tích truyền dạy. “Ngoài 70 thì du di thành tích, nếu không các cụ cao tuổi lắm rồi”, ông Bài nói.
Cũng theo ông Bài, cần chú ý chất lượng xuất sắc sản phẩm của các nghệ nhân. Chẳng hạn, nếu nhà làm ô mai làm hồ sơ thì họ cũng phải có tên tuổi, thương hiệu tốt. “Ở làng Vòng có cụ nào làm cốm thật xịn thì mình tôn cụ ấy. Phải có đặc sản nổi trội bí quyết, có danh tiếng. Ví dụ chả cá được báo Mỹ nói là “đến Hà Nội mà chưa ăn chả cá Lã Vọng coi như chưa đến” thì người làm chả cá ở đó có thể thành nghệ nhân. Hay như bánh mì Phượng Hội An danh tiếng khắp nơi thì có thể là nghệ nhân”, ông Bài nói.
Bình luận (0)