Quỹ đầu tư bị 'quét sạch' lợi nhuận

12/01/2015 08:55 GMT+7

Các quỹ đầu tư đang đau đầu vì tiền bạc làm ra trong năm qua gần như bị “quét sạch” vào cuối năm theo đà xuống của chứng khoán, giá dầu và áp lực của chính sách mới liên quan đến cho vay chứng khoán.

Các quỹ đầu tư đang đau đầu vì tiền bạc làm ra trong năm qua gần như bị “quét sạch” vào cuối năm theo đà xuống của chứng khoán, giá dầu và áp lực của chính sách mới liên quan đến cho vay chứng khoán.

 
Chứng khoán đang bị tác động tâm lý
Chứng khoán đang bị tác động tâm lý - Ảnh: D.Đ.M
“Công sức lao động một năm của nhiều quỹ đã bay mất vài chục phần trăm chỉ trong 2 tháng cuối năm, có quỹ gần như mất sạch”, phó chủ tịch một quỹ đầu tư nước ngoài nói, và cho biết quỹ của ông cũng chung số phận. Từ đầu năm đến cuối tháng 10, nhiều quỹ đã vui mừng khi tài sản tăng mạnh. Ít ai ngờ chỉ trong một thời gian ngắn trước khi "khóa sổ" năm 2014, phần lớn số lợi nhuận này đã “bốc hơi”.
Tiền “bốc hơi” theo giá dầu
Theo báo cáo của LCF Rothschild, tính đến ngày 16.12.2014, giá trị tài sản ròng tại thời điểm báo cáo các quỹ hoạt động trên thị trường VN đã giảm mạnh. Cụ thể, so với cuối tháng 9, Fullerton Vietnam giảm 50%, chỉ còn 10,3% so với mức gần 21%; JP Morgan Opportunities Fund còn 10% so với gần 20%; Market Vector Vietnam mất tới 2/3, chỉ còn 5,6% so với 19%; PXP còn 8,7% so với 19,5%, Vietnam Growth Fund cũng chỉ còn 7,6% so với mức gần 19%; VOF chỉ còn 8,1% so với mức 13,5%...
Các quỹ trong nước cùng chung "số phận" với VF1 cũng mất nhiều, tài sản tăng chỉ 8% so với mốc gần 21%; F4 còn 6,3% so với mốc 24% của cuối tháng 9.
Giải thích về nguyên nhân của tình trạng này, vị phó chủ tịch trên cho rằng, có 2 lý do chính là tác động của việc giá dầu thế giới lao dốc và Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khiến VN-Index từ mức cao nhất giữa tháng 9 là 600 điểm chỉ còn 545 vào cuối năm. Mức giảm chung đã mạnh nhưng nhiều cổ phiếu lại có mức điều chỉnh lớn hơn. Chẳng hạn, “dòng họ” các cổ phiếu dầu khí vốn chiếm tỷ trọng lớn và là những mã dẫn dắt thị trường đã sụt giảm mạnh. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, từ đầu tháng 10 đến ngày 30.12 cổ phiếu PVB giảm hơn 30% giá trị, PVS mất 36%, GAS mất 35%, PVD giảm hơn 37%. Nhiều cổ phiếu trở lại mức thấp nhất trong vòng một năm trở lại đây kéo theo lợi nhuận của các quỹ, các nhà đầu tư "ôm" các chứng khoán này cũng bị bốc hơi theo.
Áp lực tâm lý
Một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới lợi nhuận của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước là tác động từ Thông tư 36 về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng được NHNN ban hành từ tháng 11.2014 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1.2.2015. Theo đó, quy định tỷ lệ cho vay chứng khoán giảm từ 20% vốn điều lệ ngân hàng xuống còn 5% và các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ không được cho vay cũng như kinh doanh cổ phiếu. Với quy định này, các nhà đầu tư lo ngại dòng tiền chảy vào chứng khoán từ hệ thống ngân hàng bị "bóp" lại nên thực hiện rút tiền về hoặc lui về thế thủ để phòng ngừa.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và nhiều tổ chức, về bản chất Thông tư 36 không đáng ngại đến vậy. Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI) nhận định, đến thời điểm hiện tại thì lượng tiền margin (mua ký quỹ chứng khoán) đã giảm đi nhiều nên Thông tư 36 chỉ có thể ảnh hưởng đến khả năng đi vay của một số công ty chứng khoán nhỏ chứ không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Nếu có ảnh hưởng, chỉ là yếu tố tâm lý của nhà đầu tư.
Cụ thể hơn, TS Lê Đạt Chí phân tích, với tổng vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng hiện khoảng 435.000 tỉ đồng, với tỷ lệ 20% trước đây, cho vay chứng khoán vào khoảng 87.000 tỉ đồng. Theo Thông tư 36, tỷ lệ này sẽ giảm còn 5%, tương đương khoảng 21.750 tỉ đồng. Số tiền hạ xuống nhưng thực tế theo số liệu tổng hợp các công ty chứng khoán báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến hết tháng 10.2014, lượng margin chỉ trên 17.000 tỉ đồng, thấp hơn con số được phép vay như tính toán trên. Như vậy, thực chất Thông tư 36 không ảnh hưởng gì đến lượng tiền từ hệ thống tín dụng đổ vào chứng khoán. Tuy nhiên, TS Lê Đạt Chí cũng cho rằng, các nhà đầu tư đã “thủ” nhiều hơn bởi họ lo ngại không biết lượng tiền rút khỏi thị trường là bao nhiêu khi chưa có số liệu chính thức, đầy đủ về mức độ cho vay margin.
Theo TS Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện chưa thể đưa ra con số chính xác vì số liệu còn phụ thuộc đa nguồn. Nguồn tiền chính các công ty chứng khoán, cho vay margin từ tiền của ngân hàng (công ty chứng khoán đi vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu) và phòng đầu tư của các ngân hàng cũng tự đầu tư cổ phiếu. “Chúng tôi đang thu thập số liệu. Vì chưa có con số cuối cùng, chúng tôi chưa thể có đánh giá ảnh hưởng của Thông tư 36 lên thị trường chứng khoán”, ông nói. Vì số liệu chưa rõ, chưa đo lường được mức độ rút vốn trên thị trường nên nhiều người đi vào "thế thủ”, dẫn đến thanh khoản cầm chừng khi nhiều phiên khối lượng giao dịch trên HOSE xoay quanh mức 100 triệu cổ phiếu/ngày, giảm khoảng 20 - 30% so với 3 tháng trước đó.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, có nơi đang kiến nghị giãn thời hạn áp dụng, nhưng trước mắt các ngân hàng thương mại phải chấp hành Thông tư 36.
Cổ phiếu dầu khí giảm nhưng cổ phiếu của các công ty sử dụng xăng dầu sẽ tăng
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulright phân tích: “Những doanh nghiệp xuất khẩu dầu tất nhiên sẽ chịu ảnh hưởng bởi tình trạng giá dầu giảm và từ đó ảnh hưởng đến kết quả tài chính. Thông tin này sẽ ngay lập tức tác động bất lợi đến giá cổ phiếu của họ trên thị trường, thậm chí còn sớm hơn so với dự báo. Thực tế thời gian qua chúng ta đã nhìn thấy áp lực giảm giá cổ phiếu của một số công ty dầu khí điển hình như PVD, GAS, PVS...
Cổ phiếu của một số công ty khác cũng chịu tác động bởi hiệu ứng tâm lý, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và công nghệ. Tuy nhiên, việc giá dầu giảm lại có tác động tích cực lên hoạt động của các công ty có sử dụng xăng dầu hay các nguyên liệu có nguồn gốc xăng dầu làm đầu vào. Tình hình tài chính của những công ty này tốt lên sẽ làm tăng giá cổ phiếu, trong khi nhà đầu tư cũng có xu hướng chuyển dịch dòng tiền sang các cổ phiếu này. Chính vì vậy, xu hướng của thị trường chứng khoán sẽ là sự phân hóa giữa hai nhóm cổ phiếu này trong khi xu hướng chung vẫn phụ thuộc chặt chẽ vào các động thái chính sách kinh tế vĩ mô tiếp theo và khả năng phục hồi chung của nền kinh tế”.
N.Khanh
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.