Đề nghị bỏ bớt quy định chung chung
Tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu ngày 14.5 do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương tổ chức, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, chia sẻ: "Trước đây, chúng ta vẫn nghĩ các doanh nghiệp khi kinh doanh xăng dầu mang lại rất nhiều lợi nhuận, chỉ cần bơm ra là có tiền. Thế nhưng không phải như vậy.
Xăng dầu là mặt hàng không phụ thuộc vào cung - cầu mà phụ thuộc vào địa chính trị - yếu tố chúng ta không thể đoán trước được. Ngay cả một số đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn của các nước trong khu vực cũng không dự đoán được giá xăng dầu".
Nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng chiến lược, đặc thù nên cần có cơ chế quản lý hết sức linh hoạt, thực tiễn, ông Chinh cho biết, trong dự thảo lần này, ban soạn thảo tiếp cận theo hướng giảm bớt đa mục tiêu trong quản lý. "Vừa thế này, vừa thế kia nữa thì rất khó quản lý", lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước nói.
Các vấn đề lớn được đề cập trong dự thảo nghị định lần này gồm: điều kiện của hệ thống; hệ thống phân phối; các quy định về giá và Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Góp ý vào dự thảo, ông Trịnh Quang Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), đề nghị ban soạn thảo lược bớt những quy định chung chung, nếu không khi thực hiện, doanh nghiệp rất dễ bị bắt lỗi.
Dẫn một số quy định liên quan đến xăng dầu đã được Bộ TM-MT ra văn bản bãi bỏ nhưng dự thảo vẫn đưa vào, ông Khanh cho rằng cần bỏ các quy định khác liên quan đến việc buộc doanh nghiệp phải xây dựng kho chứa 2.000 m3.
"Quy định hiện nay cho doanh nghiệp được phép thuê kho nhưng tại sao lại quy định trong dự thảo buộc doanh nghiệp phải tự xây dựng kho", vị này đặt vấn đề.
Ông Trịnh Quang Khanh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ bớt điều kiện mang tính chung chung khác là nhân viên cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo các quy định về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.
"Quá ưu ái doanh nghiệp đầu mối"
Tại dự thảo lần này, Bộ Công thương đưa ra đề xuất thương nhân phân phối chỉ được nhập hàng từ doanh nghiệp đầu mối, không được mua hàng lẫn nhau.
Nhấn mạnh "chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như bây giờ" do các quy định bất cập trong kinh doanh xăng dầu, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), cho rằng quy định thương nhân phân phối không được mua hàng của nhau, chỉ được nhập hàng từ đầu mối như đề xuất của Bộ Công thương đang hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
"Trước đây chúng tôi được mua hàng của nhau, như vậy có độ mở trong hoạt động kinh doanh. Ở dự thảo mới, chúng tôi chỉ được nhập hàng từ đầu mối. Ở đây có sự hạn chế quyền của doanh nghiệp", ông Dũng nói.
Đồng quan điểm, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Đồng Nai, nhấn mạnh: "Quy định hiện hành đang quá ưu ái doanh nghiệp đầu mối, trao quá nhiều quyền cho họ. Trong khi các thương nhân phân phối bị hạn chế quyền khi không được mua hàng của nhau".
Ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Sài Gòn, cũng cho rằng dự thảo nghị định được xây dựng với việc trao quyền quá lớn cho các doanh nghiệp đầu mối. Nếu để tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ mất hết sản nghiệp.
Ông Hán đề xuất để doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối được lấy hàng từ nhiều nguồn, tự chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu để cạnh tranh với nhau. Các cơ quan quản lý sẽ giám sát chất lượng, kiểm soát thị trường sau.
Từ góc độ cơ quan soạn thảo, ông Chinh khẳng định, mọi văn bản pháp lý phải xuất phát từ thực tiễn. Cơ quan soạn thảo mong muốn nghe được ý kiến đa chiều, thậm chí trái chiều để xây dựng nghị định tốt nhất.
Mục tiêu dự thảo muốn giảm bớt đa mục tiêu trong quản lý, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hài hòa lợi ích của các bên... Cơ quan quản lý sẽ tổng hợp và tiếp thu đầy đủ các ý kiến.
Bình luận (0)