Quy định mới dạy thêm, học thêm: Có chấn chỉnh triệt để tiêu cực?

05/01/2025 08:01 GMT+7

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. So với dự thảo, thông tư đã thay đổi, điều chỉnh, cắt bỏ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Quy định mới sẽ vơi đi đáng kể bức xúc tiêu cực về dạy thêm, học thêm

Với những nội dung trong Thông tư 29, nếu phụ huynh, các cơ sở giáo dục và các bên liên quan đồng lòng thực hiện thì những tiêu cực về dạy thêm, học thêm sẽ được chấn chỉnh triệt để, vơi đi đáng kể bức xúc của người học, phụ huynh và xã hội về hiện tượng dai dẳng trong giáo dục.

Điều 5, chương II, Thông tư 29 quy định không được thu tiền của học sinh khi tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường là rất nhân văn nên nhiều người ủng hộ. Quy định này đồng thời xác định đối tượng học thêm trong trường nhằm phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi tuyển sinh, tốt nghiệp. Nếu làm trúng sẽ giảm thiểu dạy thêm, học thêm tràn lan. Điều này đòi hỏi nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng xây dựng kế hoạch giáo dục - trách nhiệm, chất lượng, khả thi, hiệu quả - hướng đến giáo dục toàn diện, có trọng tâm, đảm bảo yêu cầu kiểm tra, đánh giá, không một học sinh nào "đứng ngoài cửa lớp".

Quy định mới dạy thêm, học thêm: Có chấn chỉnh triệt để tiêu cực?- Ảnh 1.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14.2.2025

ảnh: nhật thịnh

Thông tư 29 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14.2.2025, đòi hỏi lãnh đạo các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, các nhà trường điều chỉnh kế hoạch hợp lý để thực hiện nghiêm quy định mới về dạy thêm, học thêm mà không làm xáo trộn dạy thêm của giáo viên, học thêm của học sinh. Không biến tướng, không đối phó, không thể "dẹp" trong trường thì "dạt" ra ngoài nhà trường dạy thêm, học thêm. Điều này vừa sai với quy định, vừa phi giáo dục, phụ huynh học sinh vừa hết "trói" này lại sang "buộc" khác khiến bức xúc về dạy thêm, học thêm có khi tăng hơn.

Những điểm cần làm rõ

Tuy nhiên qua nghiên cứu Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm, vẫn còn mấy băn khoăn sau.

Chương II, Thông tư 29 quy định trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm là của UBND cấp tỉnh, sở GD-ĐT, UBND cấp huyện, phòng GD-ĐT, UBND cấp xã, hiệu trưởng là khá đầy đủ. Nhưng, đâu là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT? Ngoài trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT là phải ban hành quy định để quản lý dạy thêm học thêm - thì thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các địa phương trong tổ chức thực hiện quy định dạy thêm, học thêm. Bởi, từ thông tư đến thực tế thường có khoảng cách, nên Bộ "mục sở thị" sẽ giúp sâu sát tình hình, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi quy định dạy thêm, học thêm khi thấy cần thiết.

Hiệu trưởng nói về quy định mới dạy thêm, học 0106

Gốc rễ của dạy thêm, học thêm là do chương trình giáo dục phổ thông, kiểm tra, thi, do năng lực và trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, của giáo viên. Những yếu tố này, thời gian qua cho thấy là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dạy thêm, học thêm. Mọi người cùng thay đổi, song, "tổng đạo diễn" chính là Bộ GD-ĐT.

Giải thích từ ngữ, mục 1 ghi: "Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành". Phải chăng, với giải thích này, Bộ GD-ĐT thừa nhận mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực thông qua thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chưa tròn vai? Vì thế nên chỉnh lại lại cụm từ dạy thêm, học thêm theo tiếp cận nhu cầu từ người dạy, người học, phụ huynh.

Theo Bộ GD-ĐT, kế hoạch dạy thêm học thêm được công khai trên trang thông tin điện tử "hoặc" niêm yết tại nhà trường. Xin đề nghị thay "hoặc" bằng "và".

Quy định trong thông tư mới ghi: "Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường". Diễn đạt này có phần rối rắm. Thay vì vậy, có thể viết đơn giản hơn nhưng vẫn đầy đủ ý: "Giáo viên không được dạy thêm thu tiền học sinh mà mình đang dạy ở trường".

Quy định mới dạy thêm, học thêm: Có chấn chỉnh triệt để tiêu cực?- Ảnh 2.

Dạy thêm, học thêm là vấn đề gây nhiều bức xúc, tranh luận trong giáo dục thời gian qua

ảnh: nhật thịnh

Ngoài ra, từ quy định mới về dạy thêm, học thêm, có thể đặt vấn đề nếu ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra tổ chức lớp học thêm, mượn cơ sở vật chất của nhà trường, hợp đồng với giáo viên đứng lớp - có được không? Như thế, thêm một "cánh tay nối dài" của hiệu trưởng để dạy thêm, học thêm tràn lan tồn tại trong nhà trường? Điểm này, Bộ GD-ĐT cần quy định rõ, không cho phép ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức các lớp dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Bộ GD-ĐT quy định "việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh". Vậy dạy thêm, học thêm trong nhà trường thu tiền của phụ huynh, được không?

Ngoài ra, dạy kèm, gia sư có thực hiện theo Thông tư 29 hay không? Hoạt động này phức tạp, tiềm ẩn hệ lụy.

Theo Thông tư 29 "không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học" nhưng phụ huynh gửi cô kèm kết hợp trông cháu, giải quyết thế nào? Hiện nay, dạy thêm, học thêm ở tiểu học "rầm rộ", vô hiệu hóa Thông tư 17 (trước đây quy định về dạy thêm, học thêm). Với Thông tư 29, cũng ngần ấy câu chữ đối với dạy thêm, học thêm ở tiểu học liệu có thay đổi tình hình được không?

Công văn 7291/BGDĐT-GDTrH, ngày 1.11.2010 Hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học vẫn còn giá trị. Khi Thông tư 29 có hiệu lực, việc dạy học 2 buổi/ngày, "lấy thu bù chi", được thực hiện thế nào? Các trường "linh hoạt" chuyển từ dạy thêm, học thêm trong nhà trường sang dạy học 2 buổi/ngày, được phép không?

Dạy thêm, học thêm tràn lan đang là vấn nạn, muốn chấn chỉnh, phải thay đổi cách quản lý giáo dục, quản trị trường học, vai trò phụ huynh… Trong đó Bộ GD-ĐT là đầu tàu, quán xuyến, dõi theo từ triển khai Thông tư 29 đến tổ chức thực hiện, là động lực kích hoạt sự vào cuộc của địa phương, cơ sở giáo dục, học sinh, phụ huynh học sinh, góp phần quan trọng đổi mới giáo dục phổ thông, xây dựng trường học hạnh phúc.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.