Theo kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2018 - 2021, TP yêu cầu người nuôi chó phải đăng ký với UBND xã/phường/thị trấn; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm hoặc xích chó và có người dắt; nuôi chó tập trung phải đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường... Người nuôi phải chịu mọi chi phí nếu chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Nếu chó thả rông cắn người, chủ nuôi phải bồi thường cho người bị cắn.
Không thấy ai thúc giục !
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngay tại những quận trung tâm của TP.Hà Nội, và cả những người nuôi chó chuyên nghiệp, cũng rất ít người biết đến quy định này. Ở nhiều ngõ, xóm, chó vẫn được thả rông, không rọ mõm, vẫn phóng uế ngoài đường mà không có ai xử phạt. Khu vực các quận, huyện ngoại thành, tình trạng này còn phổ biến hơn rất nhiều.
Vài ngày sau khi kế hoạch của TP.Hà Nội được công bố rộng rãi, trả lời Thanh Niên, anh Phạm Quốc Thắng, chủ trang trại chó chuẩn quốc gia TS Milan, nói vẫn chưa biết yêu cầu trên của TP. “Những người nuôi chó chuyên nghiệp hầu hết đã đăng ký, cấp giấy chứng nhận về giống. Bản thân con chó cũng được gắn chip điện tử dưới da, chứa toàn bộ thông tin của chó”, anh Thắng bày tỏ và nói thêm: “Chúng ta yêu chó, nhưng chúng ta cũng phải tuân thủ theo pháp luật. Việc đeo rọ mõm, dây xích cho chó rất cần thiết vì giúp chó không cắn nhau và cắn người”.
Một người nuôi chó cảnh khác là chị Lan Khuê (P.Nhật Tân, Q.Tây Hồ, Hà Nội) mới chỉ biết quy định chó đi ra ngoài phải đeo rọ mõm qua báo chí, còn quy định đăng ký cho chó thì chị chưa rõ. “Nếu TP yêu cầu như vậy thì chúng tôi sẽ chấp hành”, chị Khuê cho biết.
Trong khi đó, một số người nuôi chó cho rằng việc đăng ký sẽ gây nhiều phiền hà. Anh Nguyễn Văn Sáng (P.Nghĩa Đô, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Tôi nuôi chó đã mấy chục năm nay, chó tôi nuôi quen nên nó rất hiền. Mỗi năm tôi đều đưa nó đi tiêm phòng dại nên tôi nghĩ việc đăng ký cho chó là không cần thiết vì sẽ rất mất thời gian. Nếu việc này được triển khai thì tôi không biết chính quyền sẽ quản lý như thế nào? Nếu không đi đăng ký thì có bị làm sao không? Lâu nay chúng tôi không đăng ký, cũng không thấy ai thúc giục gì cả”.
Phường, xã ngại xử phạt
Trên thực tế, chính quyền các phường cũng gặp khó khăn khi triển khai các quy định. Ông Trịnh Chí Thanh, Chủ tịch UBND P.Bưởi (Q.Tây Hồ, Hà Nội), cho biết: “Có khó khăn trong việc vận động người dân ra phường đăng ký nuôi chó, dù phường vẫn lập danh sách các hộ nuôi”.
Theo ông Hoa Xuân Thuận, Phó chủ tịch UBND P.Bưởi, từ khi Nghị định 90/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực, phường đã lập các tổ liên ngành để xử lý, nhưng chưa xử phạt được lần nào. “Chúng tôi cũng đã linh hoạt vận dụng xử phạt trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, ví dụ vật nuôi phóng uế ra đường sẽ phạt, nhưng phải thú thật là đi ra đường có thể giẫm vào phân chó đấy, nhưng để bắt được xử phạt là rất khó. Cả UBND, công an phường cũng ra quân nhiều đợt, nhưng chúng tôi tuyên truyền, nhắc nhở là chính”, ông Thuận nói.
Một lãnh đạo phường khác thuộc Q.Tây Hồ cũng cho biết có khó khăn là lực lượng phần lớn chưa được tập huấn, lại không có trang bị gì. “Mình bắt chó nhỡ nó cắn, hay mang chó vi phạm về rồi nhốt ở đâu, rồi nhỡ nó lăn ra chết thì sao... Những người tham gia phải được tập huấn, phải có trang bị, nhưng hiện nay chưa có”, vị này cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, nói: “Chúng tôi là cơ quan chuyên môn chỉ phối hợp hướng dẫn, có xử phạt cũng chỉ qua thanh tra chuyên ngành thôi, còn lại phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Quy định về xử phạt đã có, nhưng các phường, xã cũng chưa mạnh tay lắm. Thực tế là họ cũng ngại xử phạt”.
Trả lời câu hỏi “liệu có nguy cơ quy định chỉ nằm trên giấy?”, ông Sơn thẳng thắn thừa nhận là “có”, nếu từ cấp xã, phường không quyết liệt hơn.
Theo ông Sơn, hiện thống kê trên địa bàn Hà Nội (do các quận, huyện báo cáo lên) có khoảng 426.000 con chó, mèo. Trong số này, tỷ lệ chó, mèo có tiêm phòng đạt khoảng 90%. Sau khi nghị định xử phạt ra đời, người dân đã có ý thức hơn về tiêm phòng cho vật nuôi. Tuy nhiên, còn việc rọ mõm khi ra đường, đăng ký khi nuôi, không để vật nuôi phóng uế, làm ảnh hưởng vệ sinh môi trường thì chưa nhiều người để tâm đến. Theo kế hoạch của Hà Nội, đến 2021, trên 90% đàn chó, mèo được tiêm phòng vắc xin dại; trên 90% chủ nuôi chó, mèo được trang bị kiến thức hiểu biết và thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống bệnh dại.
Coi chừng bị chó cắn dịp tết
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết trong 3 năm vừa qua, số người bị chó cắn phải đi tiêm ngừa tăng cao, đặc biệt vào các tháng trước và sau tết. Cụ thể, năm 2015 tại BV này có 7.793 người tiêm ngừa sau khi bị chó cắn; tháng 2 có 847 người tiêm, cao nhất trong năm. Năm 2016 có 8.832 người tiêm; tháng 2 cao nhất với 888 người. Năm 2017 số tiêm ngừa tăng lên 10.023 người; cao điểm là tháng 1 với 821 người.
Bác sĩ Mai Xuân Thông, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Bệnh nhiệt đới, bộ phận trên cơ thể bị chó cắn nhiều nhất là chân, vùng hông; còn trẻ em hay bị vùng mặt.
Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, mỗi năm số người bị chó cắn tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 2015 khu vực phía nam có 243.433 người bị chó cắn, trong đó có 11 người tử vong vì bệnh dại thì năm 2016 số người bị chó cắn tăng lên 267.456 ca, tử vong 4 ca. Năm 2017, số người bị có cắn tăng cao với 306.217 ca, tử vong 8 ca. Theo PGS-TS Lân, chó là vật nuôi gần gũi với người dân VN. Các trường hợp thường bị chó cắn là do: tiếp xúc với chó lạ; đùa nghịch, cho tay vào miệng chó; can thiệp khi chó cắn nhau; bạo hành chó thái quá; tiếp xúc chó dại...
|
Bình luận (0)