Quy định rồi thôi

04/04/2015 00:00 GMT+7

“Không ai dại gì làm chuyện điên rồ đó! Vì mỗi số điện thoại đều gắn với một con người với nhân thân rõ ràng”. Đó là câu trả lời của đồng nghiệp Thụy Điển khi chúng tôi thắc mắc: không sợ tin nhắn rác hoặc cuộc gọi phá rối hay sao, khi dưới mỗi bài báo ngoài tên tác giả còn có cả email và số di động người viết.

“Không ai dại gì làm chuyện điên rồ đó! Vì mỗi số điện thoại đều gắn với một con người với nhân thân rõ ràng”. Đó là câu trả lời của đồng nghiệp Thụy Điển khi chúng tôi thắc mắc: không sợ tin nhắn rác hoặc cuộc gọi phá rối hay sao, khi dưới mỗi bài báo ngoài tên tác giả còn có cả email và số di động người viết.

 Rõ ràng tin nhắn rác còn tồn tại khi sim rác vẫn được bán tràn lan, mà nguyên nhân là do sự quản lý lỏng lẻo cố tình của nhà mạng. Thêm nữa, các chế tài và quyết tâm xử lý cá nhân, tổ chức phát tán tin nhắn rác nói riêng và chuyện quấy rối qua tin nhắn hay điện thoại hiện chưa đủ mạnh và quyết liệt.
Cần nhắc lại rằng quy định về quản lý thuê bao di động trả trước (Thông tư 04/2012) của Bộ Thông tin - Truyền thông có hiệu lực từ 1.6.2012 chỉ cho phép mỗi cá nhân được sử dụng chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu) để đăng ký tối đa 3 số thuê bao trả trước của mỗi nhà mạng. Nhưng đến nay đã gần 3 năm từ ngày quy định này có hiệu lực, bất kỳ ai cũng có thể mua 100 cái sim “vô danh” mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Nếu tin nhắn rác từ các công ty cung cấp nội dung (CPS) còn có thể xử phạt, chế tài thì với công nghệ hiện nay, người ta có thể sử dụng hàng chục, thậm chí hàng trăm sim rác gắn vào thiết bị để phát tán tin nhắn đồng loạt sau đó bỏ luôn sim rác này. Đây chính là nguyên nhân của những kiểu tin nhắn rác khá phổ biến hiện nay, được gửi đến từ những đầu số di động bình thường, với nội dung mời mua dự án, đất nền, bảo hiểm… kiểu: “Em Mai, số điện thoại… Em đang bán căn hộ…”... Phương pháp “thà chặn lầm còn hơn bỏ sót” của MobiFone, chắc chắn cũng nhằm xử lý tin nhắn từ sim rác kiểu này, nhưng cách làm cẩu thả gây bức xúc cho khách hàng có nhu cầu nhắn tin nhiều hoặc nhắn theo nhóm, mà Thanh Niên phản ánh.
Đầu số 456 của Bộ Thông tin - Truyền thông tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác là một sáng kiến tốt, nhưng nếu chỉ mới cắt số nhắn đi tin rác, lừa đảo… không thôi là chưa đủ. Cần phối hợp với cơ quan chức năng để có chế tài mà trước mắt là cắt luôn đối với cả số điện thoại có trong nội dung quảng cáo của loại tin nhắn rác đang phổ biến hiện nay như mời mua nhà, bảo hiểm, vay tiền... Song cơ bản và quan trọng nhất vẫn là cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là Bộ Thông tin - Truyền thông, cần những biện pháp đủ mạnh, quyết liệt để các nhà mạng phải nghiêm túc thực thi những quy định đã có sẵn về đăng ký thuê bao trả trước, hiện đang bị phớt lờ và vô hiệu hóa.
Không lý gì mạng xã hội như Facebook, hoàn toàn không có quyền lực quản lý nhà nước, lại quyết tâm chủ trương và tuyên bố dần bắt buộc người dùng phải sử dụng tên thật, với thông tin cá nhân thật trên nền tảng văn hóa danh tính thật, trong khi chúng ta với đầy đủ bộ máy quản lý, công cụ và quy định pháp luật lại ra quy định rồi để đó và rồi cứ nói mãi câu chuyện sim rác, tin nhắn rác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.