Ngân hàng đã "siết" chặt cho vay
Lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) thương mại sản xuất tại TP.HCM cho biết, trước đây sau khi đã có hợp đồng vay vốn và được chấp thuận thì việc giải ngân khá nhanh chóng. Khi đó, DN chỉ cần cung cấp hợp đồng, tiến độ thanh toán với đối tác là được ngân hàng (NH) giải ngân. Thế nhưng trong vòng 1 năm qua, NH yêu cầu mỗi lần DN muốn giải ngân phải cung cấp thêm hóa đơn được đối tác phát hành.
Đây là yêu cầu quá khắt khe với DN và không thể đáp ứng được. Bởi với nhiều hợp đồng, không phải lúc nào cũng xuất hóa đơn ngay mà có khi chờ mấy tháng. Hoặc tùy theo hợp đồng, khi DN là bên mua, sử dụng dịch vụ phải trả tiền mới được đối tác xuất hóa đơn.
Chỉ riêng quy định này đã khiến nhiều lúc DN không thể giải ngân kịp thời, tắc vốn, nhiều hợp đồng không thực hiện và bị thiệt hại nghiêm trọng. Đó là chưa kể hồ sơ vay vốn cũng cần bổ sung thêm rất nhiều yêu cầu khác mới được chấp thuận. Như vậy chưa cần có thêm các quy định mới, bản thân các NH thời gian qua cũng đã siết chặt việc cho vay.
Trong khi đó, tại khoản 6 điều 1 Thông tư 06/2023 của NHNN (sửa đổi khoản 2 điều 22 của Thông tư 39/2016) yêu cầu các NH "trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án, có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thỏa thuận, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích" lại càng khiến cộng đồng DN khó khăn.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw, phân tích quy định này không khả thi bởi bên thứ ba không phải là bên vay trực tiếp mà chỉ là người góp vốn, và khoản vay được đảm bảo bằng tài sản góp vốn của các bên góp vốn. Trong trường hợp bên vay không trả nợ, tổ chức tín dụng có thể thu hồi nợ bằng tài sản góp vốn của các bên góp vốn. Mỗi tổ chức có quyền quyết định về cách họ quản lý và sử dụng tài chính của mình, bao gồm nguồn thu nhập, đầu tư, và cách họ quản lý nợ và vốn. Tuy nhiên, với quy định bổ sung trong Thông tư 06, các NH không chỉ kiểm soát, giám sát hoạt động của bên đi vay mà yêu cầu kiểm soát, giám sát cả hoạt động và dòng vốn của cả bên nhận góp vốn. Quy định này còn mang tính hành chính, bất hợp lý và cần có sự điều chỉnh hợp lý hơn.
Đáng nói, quy định này gây khó khăn cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Bởi các khoản vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư để thực hiện dự án đã được đảm bảo bằng tài sản góp vốn của các bên góp vốn. Trong trường hợp bên vay không trả nợ, tổ chức tín dụng có thể thu hồi nợ bằng tài sản góp vốn đó. Vì vậy, việc yêu cầu NH phải kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đối với các khoản vay này là không cần thiết, mang nặng tính hành chính và gây khó khăn cho DN khi muốn tiếp cận nguồn vốn vay.
Thứ hai, quy định trên khiến DN phải tốn thêm thời gian và chi phí. Thứ ba, gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN, bởi các DN có vốn góp lớn sẽ có lợi thế hơn các DN có vốn góp nhỏ trong việc tiếp cận nguồn vốn vay NH khi dễ dàng đáp ứng quy định trên. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các DN có vốn góp nhỏ, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh: Các quy định của Thông tư 06 là cần thiết đối với ngành NH, song về mặt thực tiễn nên có những điều chỉnh phù hợp để hỗ trợ DN và thị trường. Trong đó, quy định tại khoản 6 điều 1 Thông tư 06 cần được sửa đổi để giảm bớt khó khăn cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng thu hồi nợ của tổ chức tín dụng.
Chưa thống nhất chủ trương cung cấp vốn cho kinh tế
NHNN đã công bố định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 và giao một lần ngay từ đầu năm. Tại buổi họp báo về triển khai nhiệm vụ NH năm 2024, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết cách cấp hạn mức tín dụng mới là một bước thay đổi cơ chế tổ chức điều hành.
Điều này cũng mang đến thông điệp đối với các NH là vốn đưa vào nền kinh tế trong năm nay phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có trách nhiệm hơn. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng NH, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế tín dụng đen…
Như vậy, tiền có trong NH nhưng có chảy đến DN, nền kinh tế hay không vẫn là một câu chuyện khác; bởi trong nửa cuối năm 2023, tình trạng các nhà băng thừa tiền nhưng tăng trưởng tín dụng ì ạch, thấp hơn các năm trước.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM), quy định NH phải kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích trong trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư như Thông tư 06 là không rõ ràng. NH sẽ hiểu rằng cần kiểm soát luôn việc sử dụng vốn của bên nhận vốn góp (là bên thứ ba). Điều này không hợp lý và sẽ không được DN chấp thuận do họ hoàn toàn không liên quan đến hợp đồng vay vốn. Ở đây, cá nhân nào đứng ra vay tiền NH thì cá nhân đó có trách nhiệm báo cáo nếu chủ đầu tư lừa đảo, sử dụng vốn vay sai mục đích. Trừ khi có hợp đồng 3 bên thì phía nhận vốn góp mới báo cáo dự án cho phía NH.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: NH là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và đã có nhiều quy định trong hoạt động cho vay để kiểm soát rủi ro. Hơn nữa, việc cho vay vào một số lĩnh vực cũng đã bị khống chế bằng cách áp dụng hệ số rủi ro khác nhau, trong đó vay để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản là hệ số rủi ro cao nhất lên đến 200%. Trong bối cảnh hiện nay khi Chính phủ đang cố gắng có nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì càng không nên đưa thêm những quy định mới.
Vì vậy, NHNN nhanh chóng xem xét để sửa đổi các quy định nêu trên. "Việc sửa đổi Thông tư 06 hoàn toàn nằm trong tay chủ động của NHNN. Điều này cũng phù hợp với tinh thần và nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Chính phủ đã liên tục công bố chủ trương tháo gỡ ách tắc, khó khăn để cộng đồng DN, người dân tiếp cận vốn vay NH. Đồng thời tăng trưởng tín dụng theo đúng mục tiêu cũng là một trong những giải pháp để góp phần kích thích tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế. NHNN ngay đầu năm mới đã phát đi thông điệp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thì càng phải nhanh chóng xem xét, sửa đổi các quy định chưa hợp lý như Thông tư 06.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM)
Bình luận (0)