Giảm 5% được trích, tăng trên 7% mới xả quỹ
Một trong những lý do khiến việc trích và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu không theo kịp biến động giá thế giới do quy định trong Thông tư 103 của Bộ Tài chính. Cụ thể, Quỹ BOG trích lập quỹ 300 đồng/lít, khi giá giảm từ 5% trở lên được phép trích thêm, khi giá tăng 7% trở lên mới được phép xả quỹ.
Ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (TP.HCM) - kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM, đặt câu hỏi: Tại sao Quỹ BOG xăng dầu được trích lập 300 đồng/lít, rồi cho tăng trích khi yếu tố cấu thành giá cơ sở giảm trên 5%, trong khi đó, muốn xả quỹ lại phải chờ giá cơ sở tăng trên 7% so kỳ trước, tại sao lại có sự lệch 2% như vậy?
Lấy ví dụ, khi Quỹ BOG xăng dầu được trích lập 2 kỳ liên tiếp là 600 đồng, khi biến động giá cơ sở tăng theo kỳ từ 7 - 10% liên tiếp 3 kỳ thì cơ quan điều hành giá buộc xả quỹ tổng cộng 3 lần là 900 đồng, như vậy âm 300 đồng, doanh nghiệp buộc phải vay ngân hàng để bù lỗ. Thế nhưng trường hợp biến động giá thế giới tăng thêm đến 10%, sự cố nhà máy lọc dầu trong nước phải bảo dưỡng, hỏng hóc chưa khắc phục được, doanh nghiệp cũng không thể vay ngân hàng được… bắt buộc cơ quan điều hành phải điều chỉnh giá theo thực tế có dương hoặc bằng giá thành sản phẩm nhập vào làm giá tăng thêm rất cao. Lúc này người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng đều bị sốc do giá tăng cao bất thường.
Ông Văn Công Thật nhấn mạnh: "Mục tiêu "bình ổn" cần xem xét lại khi nền kinh tế đang cần lại xả quỹ không được. Hơn nữa, nếu xét về yếu tố bình ổn thì có thu ắt hẳn phải có chi, không thể ràng buộc bằng chênh lệch tỷ lệ làm cho có lợi một bên gây ra bất ổn xung đột lợi ích. Thế nên tại thời điểm chuẩn bị điều chỉnh tăng giá, nhiều doanh nghiệp đầu mối còn hàng nhưng bán hàng cầm chừng, chờ giá điều chỉnh tăng mới bung hàng. Thậm chí kể cả khi tàu hàng nhập về đến phao số 0, các đầu mối này vẫn tìm cách neo lại đến khi giá được điều chỉnh tăng, tạo ra nguồn hàng khan hiếm cực đoan. Thế nên chính cách quy định cho xả quỹ và trích không công bằng khiến thị trường dễ rơi vào tình trạng bất ổn khi giá biến động".
Hoặc thay đổi, hoặc bỏ Quỹ BOG
Đó là ý kiến nhiều chuyên gia khi bàn về Quỹ BOG. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng liên quan Quỹ BOG xăng dầu có quá nhiều vấn đề đáng bàn, nếu cứ duy trì theo cách quản lý hiện nay thì nên bỏ quỹ. Không rõ căn cứ vào đâu để đưa ra quy định giá giảm 5% cho trích lập quỹ, giảm hơn 5% cho trích lập cao hơn. Rồi phải tăng trên 7% mới cho xả quỹ.
"Một quy định mà chỉ thấy có lợi cho doanh nghiệp đầu mối. Còn lại, người tiêu dùng vừa bị trích tiền trước, doanh nghiệp giữ, khi giá xăng dầu tăng không được trả lại, gọi là xả quỹ, nên chịu nhiều thiệt thòi. Tiền của mình mà không được đưa ra sử dụng khi cần thiết, khi nền kinh tế rất cần để bình ổn thì trong thực tế Quỹ BOG ấy đã "hết phép". Hơn nữa, việc quy định 5% hay 7% khá cảm tính, không rõ dựa vào đâu, nghiên cứu tiền khả thi thế nào để đưa ra quy định này? Giả sử có điều nghiên rồi, nay thấy rõ quá bất cập, cần nghiêm túc đánh giá tác động và sớm điều chỉnh thay đổi. Thực tế hiện nay cho thấy chờ đến khi tăng đến hơn 7% mới được xả quỹ. Có thời điểm giá cơ sở tăng đến 5-6%, nền kinh tế gồng rất khó khăn, thắc mắc thì bộ quản lý đưa ra quy định chưa tăng đến 7% nên chưa xả quỹ được. Giả sử tăng 6% mỗi lần, tổng 3 lần giá tăng liên tiếp cộng lại lên đến 18% nhưng vẫn chưa được xả quỹ hay sao? Điều hành phải linh hoạt chứ như vậy có phải không công bằng, bất hợp lý và dễ tạo bất ổn không?", ông đánh giá
Từ đó, ông Bùi Trinh nói thẳng quỹ cứ dương hàng nghìn tỉ đồng mà doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng "oằn lưng" chịu chi phí sản xuất tăng, chi phí tiêu dùng tăng vì xăng không giảm thì rõ ràng người tiêu dùng chịu thiệt, quỹ bình ổn mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng đòi bỏ, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và người tiêu dùng khó hưởng lợi. Nghĩa là nền kinh tế khó hưởng lợi thực sự trong khó khăn thì giữ để làm gì?
Đó là chưa nói nhiều vụ "bê bối" liên quan đến Quỹ BOG trong thời gian gần đây. Chiếm dụng quỹ, không kết chuyển quỹ, nguy cơ mất quỹ vì doanh nghiệp giải tán, bị ngân hàng cấn trừ nợ cho khoản nợ khác… Tổng số Quỹ BOG xăng dầu thực báo đến hết tháng 6 là trên 7.400 tỉ đồng, nhưng trong thực tế tồn dương cụ thể bao nhiêu không ai có câu trả lời. Trong khi Bộ Tài chính đã gửi tờ trình luật Giá sửa đổi để Quốc hội thông qua theo hướng đề nghị tiếp tục duy trì Quỹ BOG. Dự kiến luật Giá sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2024.
"Nếu không siết lại quản lý và thay đổi cách trích lập, chi sử dụng quỹ phù hợp thực tế, việc duy trì quỹ này là vấn đề cần xem xét lại", chuyên gia Bùi Trinh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng với cơ chế điều hành chưa hoàn toàn thị trường thì vẫn cần duy trì Quỹ BOG xăng dầu. Chỉ khi nào nhà nước trao quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối hoàn toàn, đảm bảo thị trường xăng dầu có cạnh tranh hoàn toàn thì mới có thể bỏ quỹ.
Đặc biệt, các chuyên gia đều nhận xét đã có quy định điều hành linh hoạt, không nên lấy lý do chờ tăng trên 7% mới cho xả quỹ. Bởi biến động thế nào thì Bộ Công thương vẫn quyết được trong vai trò quản lý ngành xăng dầu, toàn bộ hệ thống từ kinh doanh, nhập khẩu, điều hành giá… Nên giao quản lý Quỹ BOG xăng dầu về Bộ Công thương quản lý, may ra việc điều hành trích, sử dụng quỹ sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn. Còn Bộ Tài chính chỉ làm nhiệm vụ quản lý về thuế, phí liên quan mặt hàng xăng dầu.
Không thể phủ nhận vai trò tích cực của quỹ khi chúng ta chưa có thị trường xăng dầu cạnh tranh thực sự. Vấn đề là vừa qua xuất hiện một số trường hợp thu chi, sử dụng Quỹ BOG không thỏa đáng. Tôi cho rằng phải cải tiến ngay việc trích lập, quản lý, sử dụng quỹ một cách minh bạch và công bằng hơn.
Chuyên gia giá cả Nguyễn Tiến Thỏa
Bình luận (0)