Quy định và hành vi

20/06/2015 05:16 GMT+7

Tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, thương mại và dịch vụ từng nói rất cay đắng: 'Doanh nghiệp bây giờ 'chạy', 'bôi trơn' chỉ là để mong các công chức làm cho đúng chứ không cần họ phải làm sai để doanh nghiệp hưởng lợi'.

Tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, thương mại và dịch vụ từng nói rất cay đắng: “Doanh nghiệp bây giờ “chạy”, “bôi trơn” chỉ là để mong các công chức làm cho đúng chứ không cần họ phải làm sai để doanh nghiệp hưởng lợi”.

Điều này phản ánh một thực tế rằng, sau hơn 1 năm, thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản, thông báo, phân công cụ thể cho từng bộ nhưng chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) của VN, theo một khảo sát của Phòng Thương mại châu Âu tại VN công bố đầu tháng 6, vẫn giảm từ 78 điểm cuối năm 2014, xuống 75 điểm vào đầu năm 2015. Và điều này lại đúng, theo cách nói của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, tại hội thảo hôm 18.6: “Nghị quyết dường như nặng về quy định mà chưa có nhiều hiệu ứng thay đổi ở thực tế” (Báo Thanh Niên, ngày 19.6 đã dẫn).

Các tuyên bố, thay đổi về chính sách vĩ mô đang cho thấy quyết tâm của những người làm chính sách cho mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của VN trong bối cảnh một cộng đồng chung sắp hình thành rất cao, nhưng cản trở lớn nhất hiện nay chính là thay đổi suy nghĩ và hành động của người thực thi chính sách.

Nỗi khổ lớn nhất của doanh nghiệp (DN) và người dân, những người đang hằng ngày trực tiếp tiếp xúc với cơ quan công quyền, cán bộ thuế, hải quan, thủ tục nhà đất, chính là cách hành xử của cán bộ công chức chứ chưa hẳn là sự rối rắm, phức tạp và chồng chéo của hệ thống quy định, chính sách.

Rất nhiều DN phản ánh, họ luôn gặp khó khăn với cán bộ trực tiếp thực hiện thủ tục, trong khi câu chuyện (nếu có) được phản ánh với lãnh đạo sẽ được giải quyết (miệng) rất nhanh; nhưng khi quay lại làm việc với cán bộ thực thì khó vẫn hoàn khó.

Muốn những chính sách được thực thi, các quy định tạo sự thay đổi thực sự trong đời sống, bên cạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, một trong những việc cần làm ngay phải là nâng cao năng lực, trách nhiệm, đạo đức công chức.

Các quy định cắt giảm thời gian nộp thuế (xuống còn không quá 121,5 giờ/năm), giảm thời gian thông quan… cũng quan trọng, nhưng sẽ mãi mãi chỉ là trên giấy, nếu như một công chức không bị mất việc khi bị phát hiện có hành vi vòi vĩnh, “đánh võng” DN. Dòng người và xe chờ thông quan sẽ còn rất dài, nếu như việc nhận những tờ tiền kẹp trong hồ sơ thông quan không bị lên án và xử lý như một hành vi tham nhũng đáng xấu hổ.

 Cuối cùng, nếu công tác giám sát cán bộ, công chức không được làm đúng và nghiêm túc thì rất khó đảm bảo các cán bộ thôi tìm cách làm khó người dân và DN, hòng thể hiện quyền lực để được “bôi trơn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.