Tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành nghiên cứu, rà soát tổng thể Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM.
Theo đó, UBND TP đánh giá quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM được duyệt trước đây đã không còn phù hợp với thực tế, tình hình biến đổi khí hậu nước biển dâng và quy hoạch phát triển chung của TP. Trong 3 năm gần đây, TP đã xuất hiện 21 đỉnh triều đạt và vượt mức báo động cấp III (1,5 m). Ngoài ra, trong năm 2018, do ảnh hưởng của bão số 9 gây ra mưa lớn, lượng mưa đo được tại Trạm Tân Sơn Hòa (gần sân bay Tân Sơn Nhất) là 401 mm làm ngập khoảng 102 tuyến đường, chiều sâu ngập 10 cm đến 70 cm.
Do đó, TP kiến nghị đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình kết nối với quy hoạch tổng thể tiêu thoát nước nhằm khép kín toàn bộ hệ thống, phát huy hiệu quả trong việc phòng, chống ngập úng cho TP.HCM trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng hiện tại và trong tương lai.
Thực tế, trải qua hơn chục năm tìm đủ phương án, đổ vài chục ngàn tỉ đồng vào hàng loạt dự án nhưng tình trạng ngập lụt tại TP.HCM không giảm mà ngày càng nghiêm trọng. Là người lâu năm nghiên cứu về các giải pháp chống ngập, kỹ sư Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D&C, khẳng định nguyên nhân là công cuộc chống ngập của TP sai lầm ngay từ những bước cơ bản mà đầu tiên là về vấn đề quy hoạch.
Cụ thể, năm 2001, Chính phủ đã ban hành Quyết định 752 phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020. Tuy nhiên đến năm 2008, quy hoạch thủy lợi 1547 chống ngập úng khu vực TP.HCM lại được phê duyệt với mục tiêu giải quyết tình trạng ngập lụt của TP trong phạm vi diện tích vùng trung tâm 209.500 ha và một số vùng phụ cận. Đến 2010, TP lại ban hành quy hoạch 24 về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mà trong đó có chương quy hoạch thoát nước mưa và nước thải. Như vậy hiện TP có 3 quy hoạch pháp lý còn hiệu lực, không biết phải làm theo cái nào. Chưa kể khi có các dự án quốc tế thì mỗi dự án lại có một tư vấn, thiết kế riêng khiến việc triển khai trở thành tùy tiện, bừa bãi.
Thứ hai, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu cơ bản về thoát nước theo từng chuyên đề về mưa, triều, tỷ lệ mốc cao độ (cốt nền)... nên hầu hết các dự án triển khai đều không có tác dụng.
"Do đó, việc rà soát và lập một bản quy hoạch tổng thể, chi tiết để đề ra các giải pháp phù hợp với thực tế là việc hết sức cần thiết và quan trọng" - ông Công nhấn mạnh.
Bình luận (0)