Quy hoạch để phát triển

27/05/2017 05:39 GMT+7

Trong kinh tế bao cấp, quy hoạch vốn là công cụ chính yếu để nhà nước lo liệu tương lai phát triển với chức năng chỉ huy tập trung. Từ đó, hình thành sự duy ý chí mang tính chủ quan của người lãnh đạo.

Cách thức tiếp cận quy hoạch như vậy không được thay đổi khi kinh tế đã được chuyển sang cơ chế thị trường. Thế là sự duy ý chí được chuyển nguyên từ bao cấp sang thị trường.
Quy hoạch theo ý chí của lãnh đạo đã làm nên ngữ cảnh quy hoạch theo nhiệm kỳ. Thứ nhất, khi nhiệm kỳ sau có ý tưởng phát triển khác thì việc đầu tiên là thay đổi quy hoạch, nhỏ thì cho điều chỉnh, lớn thì làm lại quy hoạch. Sự thay đổi quy hoạch như vậy đương nhiên dẫn đến lãng phí. Thứ hai, không ai khẳng định được rằng sự thay đổi quy hoạch chỉ vì mục đích chung mà không có tư lợi. Vậy là nguy cơ tham nhũng nằm ngay trong cách thức quy hoạch theo ý chí. Thứ ba, ý chí chủ quan trong hoàn cảnh hồn nhiên nhất cũng luôn gắn với sự lãng mạn, sự ước muốn một tương lai tốt đẹp nhất. Thực tế lại thường không thực thi được những gì quá lãng mạn. Thế là quy hoạch “treo” diễn ra khắp nơi, làm người dân sống trong vùng bị quy hoạch rơi vào cảnh điêu đứng.
Về bản chất, quy hoạch là việc tính toán sự thay đổi trong sử dụng không gian lãnh thổ, không gian biển để hướng tới phương án sử dụng có hiệu quả hơn, sao cho không chỉ toàn dân được lợi mà cũng không cho nhóm người nào sẽ có siêu lợi nhuận, và cũng không cho nhóm người nào sẽ bị thiệt hại hoàn toàn. Chia sẻ lợi ích và chia sẻ rủi ro là nguyên tắc tối thượng trong quy hoạch. Theo nguyên tắc này, một bản quy hoạch đưa ra phải tạo được niềm vui cho toàn xã hội. Trên thực tế, luôn có nhóm các nhà đầu tư mở hội ăn mừng, còn nhóm người dân rơi vào khu quy hoạch thì như nhà có đám.
Điều quan trọng hơn, đến nay quy hoạch vẫn được coi như bước thứ nhất phải “chạy” để chuẩn bị cho bước “chạy” dự án tiếp theo. Tức là quy hoạch như thể hiện quyền lực của mỗi bộ, mỗi ngành. Mọi thứ đều phải có quy hoạch, cả nước, các địa phương, các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm. Cho đến nay, hệ thống quy hoạch dày đặc ở nước ta được quy định trong 58 luật và pháp lệnh, 55 nghị định, trong đó có 1 quy hoạch phát triển chung, 12 quy hoạch tài nguyên và môi trường, 22 quy hoạch các lĩnh vực xã hội, 63 quy hoạch các ngành và 15 quy hoạch xây dựng, đô thị, nông thôn. Cả nước có tới 19.331 bản quy hoạch, phải chi tới 1.759 tỉ đồng từ ngân sách cho quy hoạch giai đoạn 2001 - 2010, và dự tính phải chi tiếp 4.003 tỉ đồng cho quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020. Những con số này tạo nên cảm giác “ghê răng”. Không chỉ vậy, khi chồng các bản quy hoạch lên nhau thì nhiều trường hợp rất khác nhau, có trường hợp sự khác nhau đó lại do cùng 1 người phê duyệt. Cảnh này tạo nên cảm giác “chông chênh”.
Rất đáng mừng là Chính phủ đã hoàn thành dự án luật Quy hoạch trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp này. Dự thảo luật Quy hoạch đã được xem xét và thảo luận khá kỹ lưỡng, nhằm gạt bỏ hoàn toàn những khuyết điểm hiện hữu và đưa ra cách tiếp cận phù hợp. Trước hết, hệ thống quy hoạch được dàn dựng lại, xác định rõ cái gì cần quy hoạch trong cơ chế thị trường. Dự thảo cho hay là chỉ cần quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên và quy hoạch phát triển hạ tầng sử dụng chung. Cái gì mà thị trường quyết định thì không thể quy hoạch. Tiếp theo, dự thảo đã đi theo cách tiếp cận quy hoạch tích hợp, tức là bảo đảm tính thống nhất khi chồng các quy hoạch lên nhau. Cuối cùng, dự thảo đã quy định về một trình tự, thủ tục nhất quán trong chuỗi quản lý quy hoạch gồm xây dựng, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, cũng như tính thống nhất về thẩm quyền và các quy định bảo đảm sự tham gia của các tổ chức, công dân.
Quy hoạch là một kịch bản phát triển bền vững, bảo đảm lợi ích kinh tế cao song hành với bền vững về xã hội, môi trường và văn hóa. Luật Quy hoạch là quy tắc để xây dựng kịch bản phát triển này. Hy vọng, dự luật Quy hoạch được Quốc hội xem xét và quyết định lần này sẽ tạo cơ sở để xây dựng kịch bản phát triển bền vững trong kinh tế thị trường, mang lại hiệu quả phát triển cao nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.