Theo ông Hà Đăng Sơn, thách thức lớn nhất để thực hiện quy hoạch này là làm sao vừa đảm bảo các cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải điện, giảm khí nhà kính... trong khi vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội, an ninh năng lượng, đặc biệt là điều chỉnh chi phí liên quan cung ứng điện năng sao cho phù hợp tình hình quốc tế và khả năng chi trả của người dân.
Liên quan đến nguồn điện năng lượng tái tạo, ông Hà Đăng Sơn đánh giá các dự án điện gió, điện mặt trời được xây dựng, triển khai trong thời gian qua có công suất rất lớn nhưng thực tế thống kê điện năng phát thực sự của các nguồn này tính ổn định không cao, phụ thuộc nhiều yếu tố. Đơn cử, điện mặt trời có thời gian phát điện từ 6 - 18 giờ, đỉnh điểm nằm trong giai đoạn 9 - 13 giờ, không phù hợp với đặc thù tiêu thụ điện của các hộ tiêu thụ thông thường.
Trong khi đó, điện gió phụ thuộc vào đặc thù từng khu vực mà dự án được xây dựng. Hiện nay, năng lực phát điện của nguồn này giai đoạn tháng 4, tháng 5 chỉ đạt khoảng 10 - 20% công suất.
"Nhìn vào đó có thể thấy, sản lượng cung ứng thực tế của các nguồn điện gió, điện mặt trời rất hạn chế và rất khó để dựa vào, đáp ứng nhu cầu tăng cao mùa nắng nóng" - ông Sơn đánh giá.
Doanh nghiệp ‘tay ngang’ thu về tiền tỉ mỗi tháng nhờ điện gió, điện mặt trời
Từ những phân tích trên, vị chuyên gia này nhận định, Quy hoạch điện 8 sẽ là căn cứ quan trọng để triển khai các dự án nguồn điện đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của kinh tế và xã hội, giải bài toán cơ cấu về nguồn điện, kết hợp điện năng lượng tái tạo với nguồn truyền thống như điện than, điện khí... Đồng thời, là căn cứ pháp lý để triển khai loạt dự án đầu tư mở rộng dự án truyền tải điện.
Đặc biệt, đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để EVN giải quyết các khó khăn về giá, chính sách nhằm giải quyết công suất các dự án điện mặt trời, điện gió đang gặp khó và phát triển điện mặt trời mái nhà. Mục tiêu đến 2030, 50% mái nhà công sở, hộ gia đình trên cả nước sẽ được phủ kín bằng các tấm pin mặt trời, đáp ứng nhu cầu điện tự dùng.
Bình luận (0)