Ngày 4.7, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội thảo Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (lần thứ 2).
Theo ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, dự thảo quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra 3 đột phá về cải cách hành chính; huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Dự thảo quy hoạch cũng đề ra 4 trụ cột phát triển gồm: các ngành công nghiệp quan trọng vào Khu công nghiệp Hòa Tâm và cảng Bãi Gốc; phát triển du lịch chất lượng mũi nhọn; phát triển đô thị xanh; dịch vụ cảng biển - logistics.
Phát triển công nghiệp gắn với cảng biển nước sâu
Tại hội thảo, các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học… đã góp ý để nội dung quy hoạch tỉnh Phú Yên đạt chất lượng và tính khả thi cao trước khi trình Hội đồng thẩm định quốc gia theo quy định.
Theo KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, quy hoạch phải làm nổi bật được tính liên kết vùng, vai trò của tỉnh Phú Yên để phát triển so với các tỉnh liền kề ở khu vực Tây nguyên và Nam Trung bộ.
Trong đó, về giao thông, cần phải đưa quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt kết nối với các tỉnh Tây Nguyên dọc theo QL 25, QL 29 hiện hữu.
Quy hoạch công nghiệp của tỉnh Phú Yên phải gắn với việc xây dựng cảng biển nước sâu.
Phía bắc tỉnh Phú Yên với TX.Sông Cầu và H.Tuy An rất thuận lợi với phát triển du lịch và có nhiều tiềm năng để phát triển thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia. Ở phía nam có lợi thế kết hợp với Vân Phong (Khánh Hòa) để hình thành cực phát triển kinh tế gắn với cảng biển.
Về phát triển hệ thống đô thị, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) phải phấn đấu sớm trở thành đô thị loại 1 (hiện nay mới là đô thị loại 2) để mở ra không gian phát triển cho cả tỉnh. Hiện, Tuy Hòa có hai tiêu chí về dân số và diện tích chưa đạt nên cần mở rộng quy hoạch đô thị và gia tăng quy mô dân số.
TP.Tuy Hòa nên mở rộng về hướng TX.Đông Hòa vừa đảm bảo các tiêu chí về diện tích, dân số và hoàn thiện về kinh tế biển theo hướng vừa có du lịch vừa có công nghiệp...
Phát triển các ngành kinh tế biển mới
PGS- TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội Khóa 15, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế và Quy hoạch thủy sản, cho rằng ngoài quy hoạch phát triển kinh tế, Phú Yên cần nhấn mạnh đến các trục phát triển văn hóa và văn hóa sẽ là điểm tựa để phát triển kinh tế.
Quy hoạch cũng nên có định hướng phát triển trong khu vực 6 hải lý tính từ bờ ra biển để phát triển kinh tế biển, nhất là nuôi trồng thủy sản.
Đặc biệt, cần phân vùng rõ khu vực phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch để tránh xung đột. Phú Yên nên chú trọng đến phương án phát triển các ngành kinh tế biển mới và năng lượng tái tạo từ biển.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho rằng việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng, từ đó tạo đột phá trong chiến lược phát triển của địa phương. Dự kiến dự thảo quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hoàn thành trong tháng 7.2023 để Bộ Xây dựng thẩm định và trình Hội đồng thẩm định quốc gia theo quy định.
Bình luận (0)